Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện trên địa bàn tỉnh

(NTO) Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 thư viện tỉnh, 7 thư viện huyện, thành phố và 6 thư viện xã. Nhằm xây dựng xã hội học tập, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, ngày 27-1-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020”.

Kể từ đó đến nay, Đề án đã đi được hơn nửa chặng đường nhưng việc triển khai thực hiện Đề án trên cả nước nói chung và tại tỉnh ta nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể như hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh rất khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí, nguồn nhân lực, nhất là hạn chế của mô hình thư viện huyện nằm trong các trung tâm văn hóa, thể thao các huyện, thành phố nên việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án ở cơ sở gặp khó khăn, kinh phí bổ sung sách, báo cho hệ thống thư viện công cộng ở địa phương quá thấp. Kho sách luân chuyển của Thư viện tỉnh hàng năm thực hiện luân chuyển hàng chục ngàn lượt bản sách đến hơn 100 đơn vị cơ sở trong tỉnh nhưng không có kinh phí bổ sung sách mà chủ yếu nguồn bổ sung cho kho sách này là từ nguồn xã hội hóa. Các kho sách của thư viện các huyện, thành phố hầu như không được cấp kinh phí bổ sung (trừ Thư viện huyện Ninh Hải, Thư viện Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, nhưng cũng không thường xuyên). Thư viện xã có quyết định thành lập nhưng chủ yếu hoạt động phục vụ duy trì triển khai Dự án BMGF, không tổ chức các hoạt động phục vụ sách báo. Trên thực tế thì việc đưa sách báo về phục vụ tại các điểm nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết để thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020” cũng như Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa đọc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” tại địa phương.

Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí, nguồn nhân lực... để tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, song những năm qua, hệ thống thư viện cấp tỉnh, huyện đã duy trì được các chỉ số phục vụ bạn đọc, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đọc phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, giải trí... của người dân địa phương. Mỗi năm Thư viện tỉnh cấp trung bình 1.000 thẻ bạn đọc, phục vụ hơn 80.000 lượt bạn đọc, hơn 200.000 lượt tài liệu, luân chuyển hơn 60.000 lượt bản sách đến hơn 100 đơn vị cơ sở trên địa bàn tỉnh; thư viện huyện, thành phố cấp hơn 300 thẻ bạn đọc, phục vụ hơn 100.000 lượt bạn đọc và gần 200.000 lượt tài liệu. Ngoài ra, các thư viện còn tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các hoạt động phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng đại, các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của địa phương, đất nước.

Từ thực tế trên, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020”, mà trực tiếp là việc “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện” trên địa bàn tỉnh, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau: Tách mô hình thư viện cấp huyện nằm trong các trung tâm văn hóa, thể thao các huyện, thành phố để trở thành một đơn vị sự nghiệp có thiết chế văn hóa độc lập trực thuộc sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, có cán bộ quản lý, viên chức chuyên môn và một số vị trí việc làm khác, có trụ sở riêng và có nguồn kinh phí hoạt động đảm bảo thư viện huyện thực hiện được đúng chức năng nhiệm vụ của mình theo quy định tại Thông tư số 13/2016/TT-BVHTTDL; tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, kinh phí hoạt động và nguồn nhân lực để hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh đủ năng lực triển khai hoạt động phục vụ nhân dân địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định; bổ sung cho kho sách phục vụ lưu động của Thư viện tỉnh hàng năm, cấp xe phục vụ lưu động chuyên dụng và bố trí nguồn nhân lực tổ chức phòng mạng lưới cơ sở để triển khai tốt công tác luân chuyển sách báo và phục vụ lưu động tại các điểm nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh cũng như xây dựng và phát triển phong trào đọc sách tại các đơn vị cơ sở; các cấp và các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trường học, ở địa phương tích cực vận động người dân tham gia đọc sách và các hoạt động thư viện để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại địa phương, xây dựng thành công xã hội học tập theo Kế hoạch số 4438/KH-UBND ngày 23-9-2013 về triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của UBND tỉnh.