Chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(NTO) Tỉnh ta đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), coi đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực.

Những năm qua, tỉnh tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện hệ thống chính sách giáo dục đồng bộ đi vào cuộc sống, từng bước nâng cao chất lượng học tập ở vùng đồng bào DTTS&MN. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, kết quả học tập của các trường vùng DTTS&MN gần đây có chuyển biến tích cực, 100% học sinh cuối cấp THCS đủ điều kiện tuyển vào bậc THPT, riêng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh 3 năm học liền duy trì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%.

Giáo viên Trường PTDTNT THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Phước Trung, Bác Ái)
hướng dẫn học sinh thực hành môn Tin học. Ảnh: S.N

Có được thành tích nêu trên, đầu tiên phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh trong lồng nghép nguồn vốn các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở giáo dục khang trang, tạo môi trường học tập thân thiện, giúp học sinh tích cực đến lớp. Thực hiện Quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2012-2020, ngành chức năng, các địa phương đã chủ động xóa phòng học tạm, đầu tư thêm một số trường học mới, hệ thống giáo dục các cấp nhờ đó ngày càng được mở rộng, phát triển đến tận xã, thôn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc dạy và học. Đến nay, hầu hết các thôn, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa đều được đầu tư xây dựng trường học kiên cố, bán kiên cố; huyện vùng đồng bào DTTS có trường THPT, các Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề cũng được quan tâm đầu tư đưa vào hoạt động hiệu quả. Cơ sơ vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách, tài liệu ngày càng được tăng cường, giúp học sinh tiếp cận chương trình giáo dục tiên tiến, “học đi đôi với hành”.

Với điều kiện thuận lợi, học sinh vùng cao “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Các buổi lên lớp, các em được trang bị kiến thức sâu rộng vừa thụ hưởng chương trình giáo dục đặc thù, tiếp cận các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc mình để sẵn sàng hòa nhập vào cuộc sống hiện đại nhưng vẫn không “hòa tan”. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc (Bác Ái) và Trung học Dân tộc nội trú Thuận Bắc duy trì Đội Mãla (nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai), hằng năm tham gia giao lưu Ngày hội văn hóa các dân tộc trong khu vực nhận được nhiều giải thưởng. Một số trường học ở vùng đồng bào Chăm cũng xây dựng phòng truyền thống giới thiệu bản sắc văn hóa đặc thù, giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Có thể nói, chính sách giáo dục vùng đồng bào DTTS hướng vào chăm lo toàn diện cho học sinh khi còn nhỏ các em được hỗ trợ ăn trưa theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ giai đoạn 2010-2015. Khoảng thời gian này, tỉnh đã chi tổng số tiền gần 9,6 tỷ đồng để các cháu có bữa ăn trưa đảm bảo đủ dinh dưỡng. Đến khi vào các trường cao đẳng, đại học, sinh viên là con em đồng bào DTTS được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng theo Quyết định số 1157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện các chính sách được triển khai đồng bộ, giúp học sinh, sinh viên nghèo an tâm học tập, trau dồi kiến thức để khi ra trường góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

Kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN còn nhiều hạn chế, nhất là tỷ lệ học sinh học yếu còn cao, tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học thấp. Nguyên nhân của tồn tại xuất phát từ nhiều phía, cả học sinh, gia đình và nhà trường. Kết quả khảo sát của Thạc sỹ Lương Thị Thúy Lành (Học viện Chính trị khu vực II, TP. Hồ Chí Minh) và Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Trang (Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh) chỉ ra thực trạng phụ huynh học sinh và chính quyền cơ sở ở một số nơi trên địa bàn huyện Bác Ái coi việc giáo dục con em mình là nhiệm vụ của nhà trường; vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên vùng đồng bào DTTS&MN chưa tâm huyết, gắn bó với nơi mình công tác…, khiến chất lượng giáo dục ở những nơi này chưa được như mong đợi.

Nhóm khảo sát đề xuất việc thực hiện chính sách giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian tới cần chú trọng tiếp tục hỗ trợ về kinh phí theo định mức chung để học sinh có điều kiện đến trường. Tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học các cấp học, nhất là cấp mầm non. Ở tầm cao hơn, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn chương trình dạy học ở các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú và bán trú một số môn học mang tính đặc thù với thời lượng hợp lý để nâng cao kỹ năng sống cho các em.