Thế giới trong tuần

1. Một trong những thông tin nổi bật trong tuần, đó là Liên hợp quốc và Nga thúc đẩy chấm dứt xung đột ở Syria. Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura (Xta-phan đề Mi-xtu-ra) đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (Xéc-gây Sôi-gu) tại Moskva trước thềm vòng đám phán mới nhằm tìm giải pháp chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài hơn 6 năm tại Syria.

Bộ Quốc phòng Nga dẫn lời đặc phái viên Mistura cho biết tại cuộc gặp này, hai bên đã thảo luận "các biện pháp nhằm tiến tới một thỏa thuận chính trị ổn định hơn thay cho việc thiết lập các khu vực giảm căng thẳng tại Syria".

Trước đó, ông Mistura bày tỏ hy vọng sẽ có thêm một vòng đàm phán tại thành phố Geneva (Giơ-ne-vơ) của Thụy Sĩ về chấm dứt các cuộc xung đột ở Syria.  

Nga, nước đồng minh chủ chốt của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ba-sa An Át-xát), đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chấm dứt các cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này cũng như thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nhằm thiết lập và giám sát 4 khu vực giảm căng thẳng ở Syria. Trong vòng đàm phán trước đó tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Nga đã cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nước ủng hộ các nhóm đối lập với chính phủ ở Syria, nhất trí về việc thiết lập những khu vực trên tại tỉnh Idlib (Ít-líp), thành phố Homs (Hom-xơ), vùng ngoại thành Đông Ghouta (Gu-ta) của thủ đô Damascus và miền Nam Syria.

Vòng đàm phán Astana do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ diễn ra song song với các vòng hòa đàm Syria do Liên hợp quốc bảo trợ ở Geneva, Thụy Sĩ. Trong vòng đàm phán thứ 6 kết thúc vào ngày 15-9 vừa qua, các bên tham gia đã nhất trí được một tuyên bố chung về 4 khu vực giảm căng thẳng tại Syria, cũng như 4 văn kiện liên quan đến tuyên bố này.

2. Thông tin cũng rất đáng chú ý, đó là Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa Mây) kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra một thỏa thuận mà bà có thể “bảo vệ” được trước người dân xứ sở sương mù, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi khối này, còn gọi là Brexit, vẫn đang bế tắc xung quanh bất đồng về khoản "hóa đơn ly dị" khổng lồ. Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu tại bữa tiệc tối 19-10 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hội đồng châu Âu cùng 27 nguyên thủ quốc gia các nước thành viên của khối ở Brussels (Bỉ), Thủ tướng May nhấn mạnh “yêu cầu bức thiết và rõ ràng” đặt ra lúc này là EU phải phá vỡ bế tắc trong đàm phán Brexit và chuyển sang các cuộc đàm phán về thương mại giữa hai bên trong tương lai. Những tuyên bố này được đưa ra sau khi các lãnh đạo EU đề nghị với Thủ tướng Anh rằng bà phải đưa ra một cam kết rõ ràng hơn về việc thanh toán khoản “hóa đơn ly dị” Brexit nếu muốn các cuộc đàm phán đạt tiến triển. 

 Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) cho rằng đã có những dấu hiệu tiến triển “đáng khích lệ” trong đàm phán Brexit, đồng thời ám chỉ khả năng sẽ có đột phá vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (Mác Rút-tơ), một trong những đồng minh quan trọng nhất của Anh trong EU, cũng thừa nhận rằng bản thân ông cũng đã đề nghị Thủ tướng Anh thể hiện quan điểm rõ ràng hơn về vấn đề hóa đơn tài chính Brexit. 

Ngoài bất đồng về hóa đơn Brexit, Anh và EU cũng còn những khác biệt cơ bản về vai trò của Tòa án Công lý châu Âu trong việc đảm bảo quyền lợi của các công dân EU sống tại Anh hậu Brexit. 

3. Triều Tiên nêu điều kiện từ bỏ vũ khí hạt nhân. Triều Tiên ủng hộ ý tưởng cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên thế giới, song sẽ chỉ từ bỏ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này sau khi Mỹ làm điều tương tự.

Đài Sputnik dẫn lời Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim In-ryong (Kim In Riêng) phát biểu ngày 16-10 trước các thành viên Ủy ban Giải giáp vũ khí của Đại Hội đồng Liên hợp quốc nêu rõ: "Chừng nào Mỹ - nước luôn đe dọa Triều Tiên bằng các vũ khí hạt nhân - không chấp thuận hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân thì Triều Tiên cũng không tham gia hiệp ước này". Quan chức Bình Nhưỡng khẳng định việc nước này sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa là một "biện pháp tự vệ chính đáng", bởi không có nước nào trên thế giới bị Mỹ đe dọa hạt nhân trực tiếp và cực đoan như vậy trong thời gian dài. Ông cũng nhận định tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã đến "điểm tới hạn" và chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Nhà ngoại giao này cho biết thêm Triều Tiên sẽ không tấn công bất cứ quốc gia nào không tham gia chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu.