Thôn Hậu Sanh xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

(NTO) Theo sự giới thiệu của Đảng ủy xã Phước Hữu (Ninh Phước), chúng tôi về Hậu Sanh-thôn điển hình chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở xã Phước Hữu. Cấp ủy chi bộ và Ban Quản lý thôn huy động các nguồn lực tham gia xây dựng cơ sở vật chất, bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân. Cán bộ và nhân dân thôn Hậu Sanh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích thực hiện Chỉ thị 06/2014/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm, giai đoạn 2004- 2015.

Về Hậu Sanh, chúng tôi đi giữa khu dân cư thanh bình dưới chân Núi Tháp. Ông Trượng Lèo, Bí thư Chi bộ thôn Hậu Sanh, vui mừng: Năm nay, nông dân Hậu Sanh trúng mùa lúa hè-thu 2017, năng suất đạt 65- 70 tạ/ha. Đây là vụ lúa hè-thu áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay với diện tích 400 ha chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Tân Giang và Bàu Zôn. Dân làng nhộn nhịp luyện tập văn nghệ, sửa san nhà cửa, làm bánh mừng đón Lễ hội Katê 2017. Hội đồng phong tục thôn vừa họp sẽ tổ chức Lễ hội Katê ở tháp Pôrômê vào sáng ngày 19-10. Làm ăn được mùa lúa kết hợp với tin vui Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên bà con phấn khởi đón lễ hội sung túc lắm.

 
Thôn Hậu Sanh lắp đặt loa truyền thanh và đèn chiếu sáng khu dân cư. Ảnh: S.N

Ông Trượng Lèo đưa chúng tôi đến xem những công trình được Nhà nước hỗ trợ và Nhân dân đóng góp chung tay xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư ngày càng khởi sắc. Công trình đáng tự hào nhất là Trường Tiểu học Hậu Sanh được Nhà nước đầu tư gần 6 tỷ đồng xây dựng 12 phòng học 2 tầng lầu, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 300 học sinh trong làng. Đối diện với nhà trường là sân phơi lúa rộng 1.000 m2 trị giá trên 170 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân đóng góp công lao động. Công trình sân phơi hoàn thành vào cuối tháng 9 phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa là sân bóng chuyền và nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng tâm linh của người dân. Dọc theo các tuyến đường nội thôn mới được lắp đặt hệ thống truyền thanh 11 chiếc loa phục vụ tốt việc thông tin chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của địa phương kịp thời đến với Nhân dân. Hậu Sanh vừa lắp đặt 26 bóng đèn chiếu sáng công cộng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân vào ban đêm. Hai công trình loa truyền thanh và đèn chiếu sáng nội thôn trị giá trên 45 triệu đồng do Nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng.

Tại Văn phòng làm việc của Ban Quản lý thôn Hậu Sanh, các đội văn nghệ phụ nữ, thanh niên và Trường Tiểu học Hậu Sanh đang luyện tập chương trình văn nghệ ca múa nhạc truyền thống, với 30 tiết mục được chọn lọc phục vụ Lễ hội Katê tại Tháp Pôrômê tới đây. Thôn Hậu Sanh cũng đã thành lập đội bóng đá, bóng chuyền thường xuyên luyện tập tham gia thi đấu giao lưu cùng các đội bóng trong xã tạo nên phong trào thể dục- thể thao lan tỏa sâu rộng trong đời sống khu dân cư. Toàn thôn hiện có 672 hộ, với 2.980 nhân khẩu đồng bào Chăm, số hộ nghèo chỉ còn 52 hộ theo chuẩn mới, chiếm 7,7%. Số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm đạt 96%. Trong những năm qua, cấp ủy chi bộ lãnh đạo Ban Quản lý thôn và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân. Đồng thời huy động các nguồn lực từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần xây dựng xã Phước Hữu đạt chuẩn nông thôn mới.

Tháp Pôrômê xây dựng trên địa bàn thôn Hậu Sanh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào tháng 8-1992. Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng trùng tu, xây dựng Nhà trưng bày sân lễ, tường thành bảo vệ, hệ thống điện, đường vào Tháp Pôrômê. Đến với Tháp Pôrômê, chúng tôi gặp đơn vị thi công đang huy động xe máy san ủi mặt bằng trải bê tông xi măng sân lễ và sân trước của tháp để kịp phục vụ Lễ hội Katê 2017 và đón nhận Bằng Di tích văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Tháp Pôrômê được Nhà nước quan tâm đầu tư trùng tu, xây dựng nhiều hạng mục mới và Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận được đưa vào Danh mục văn di sản hóa phi vật thể quốc gia tạo tâm lý phấn khởi cho đồng bào Chăm làng Hậu Sanh. Chi bộ thôn lãnh đạo các đoàn thể vận động nhân dân chung tay xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phát triển. Với vai trò người cao tuổi có uy tín, tôi tiếp tục vận động bà con trong thôn giữ vững danh hiệu khu dân cư đạt chuẩn văn hóa, gắn với thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”- ông Lưu Hương, người cao tuổi có uy tín kiêm Trưởng Ban Phong tục thôn Hậu Sanh phấn khởi bày tỏ niềm vui.