Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp

(NTO) Những năm qua, mặc dù Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong các doanh nghiệp, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp, trong đó có 146 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Theo quy định, tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn đều phải thực hiện thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ có 88 doanh nghiệp thực hiện công tác này. Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT thấp là do chủ doanh nghiệp cũng như người lao động (NLĐ) chưa nhận thức thấu đáo về tầm quan trọng của công tác này. Nội dung TƯLĐTT tập trung vào các nội quy, chế độ phúc lợi cho NLĐ liên quan đến các vấn đề như: Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, kỷ luật, khen thưởng… Những điều khoản trong TƯLĐTT không được trái quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Với những quy định trên, người sử dụng lao động một phần không muốn có sự ràng buộc pháp lý, mặt khác cho rằng TƯLĐTT làm ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp nên cố tình né tránh. Trong khi đó, NLĐ ít am hiểu kiến thức pháp luật, thờ ơ, chưa quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bản thân mình.

Công nhân lao động chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận chi nhánh Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ngọc 

Ngoài ra, cũng theo quy định, đại diện tập thể NLĐ đứng ra ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động chỉ có thể là Ban Chấp hành CĐCS hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời. Đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, tổ chức công đoàn quản lý ở địa phương hoặc ngành có thể đứng ra đại diện cho tập thể lao động của doanh nghiệp đó thương lượng, ký kết TƯLĐTT với chủ doanh nghiệp, nhưng phải có sự yêu cầu của tập thể NLĐ. Đây chính là khó khăn, “rào cản” trong việc thực hiện ký kết TƯLĐTT tại các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn; đồng thời cũng chính là cái cớ để các doanh nghiệp viện lý do để né tránh xây dựng, ký kết TƯLĐTT. Do đó, quyền, lợi ích chính đáng của hàng ngàn công nhân lao động bị ảnh hưởng.

Chất lượng TƯLĐTT cũng còn hạn chế. Qua đánh giá, chỉ một số rất ít doanh nghiệp có TƯLĐTT có chất lượng tốt, với nhiều điểm có lợi cho NLĐ. Hầu hết nội dung các bản TƯLĐTT sao chép lại các điều khoản của Bộ luật Lao động. Nhiều doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung kịp thời các điều khoản khi văn bản quy phạm pháp luật lao động có thay đổi hoặc chế độ liên quan đến NLĐ có phát sinh…; TƯLĐTT đã hết thời hạn nhưng không thương lựơng, ký kết lại. Nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định có lợi cho NLĐ so với quy định pháp luật nhưng không đưa vào thỏa ước nhằm tránh sự ràng buộc; trong khi đó có nhiều doanh nghiệp có xây dựng, ký kết và có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ nhưng thực tế lại không thực hiện hoặc thực hiện ở mức độ cầm chừng…

Theo kế hoạch của LĐLĐ tỉnh, đến cuối năm 2017, phấn đấu có 90% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết TƯLĐTT với NLĐ. Để thực hiện tốt chỉ tiêu đề ra; đồng thời, nâng cao hiệu quả, chất lượng thương lượng, nội dung của TƯLĐTT, trước tiên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức pháp luật, nhận thức cho cả NLĐ và người sử dụng lao động. Công đoàn các cấp cũng cần sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; nắm rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng TƯLĐTT có chất lượng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc ký kết, thực hiện TƯLĐTT; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình né tránh… để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và NLĐ.