Chuyện “kiến tha lâu đầy tổ”

(NTO) Hồi bé con, Ngoại chỉ tôi xem đàn kiến vện chạy dài như sợi chỉ rồi biểu: Chúng đang tha mồi về tổ đấy. Nhìn chúng “khiêng” nửa hạt gạo mà có tới cả chục con thay nhau công kênh thật vất vả, tôi hỏi: Chúng tha mồi như vậy bao giờ mới đầy tổ hả Ngoại. Nhìn ra xa xăm rồi Ngoại nói: Lớn lên con sẽ biết, con người cũng giống như những con kiến vậy, nếu biết cần mẫn ắt thành công.

Chuyện kiến tha mồi, Ngoại dạy tôi sẽ trôi vào dĩ vãng nếu không có lần tôi chở con gái ghé quán bánh cá. Đường vô khá ngoằn nghèo, khó đi, tôi cằn nhằn: Thiếu gì quán lớn sang trọng ven đường sao bắt ba vô cái hẻm hóc này vậy. Cháu nói: Bạn con nó khen bánh ngon, vừa độc vừa lạ, giá lại mềm nữa. Gọi là quán nhưng thực ra chỉ là góc nhỏ khiêm tốn bên lối đi xuống ngôi chùa cổ. Một chiếc xe lưu động nhỏ, dăm bộ bàn ghế nhựa xếp gọn, chỉ khi có khách đến mới bày ra. Cô chủ quán trẻ tươi cười chạy đến hỏi: Chú dùng bánh loại gì ạ? Tôi chỉ con gái, cháu bảo: Chị cho ba bánh cá Nhật Bản. Chỉ một lát có ngay dĩa bánh thơm ngon, con bé mời: Ba ăn thử một cái, ngon lắm! vốn không thích bánh ngọt nên tôi tảng lờ: Ba không ăn bánh “Nhật”. Nó cười như không nghe tôi nói gì ăn liền một mạch xong rồi kêu thêm ba chiếc mang về cho mẹ. Chẳng biết quán bánh cá đó có ma thuật gì mà sau này hai mẹ con thường hay ghé ăn. Lâu dần, khách và chủ quán trở thành bạn bè thân thiết. Cứ mỗi lần cô chủ tạo ra món bánh mới, tôi giống như giám khảo được mời thưởng thức và cho điểm trước khi hoàn thành sản phẩm bán ra. Từ chỗ một mình tự làm bánh, tự bán hàng nay cô có bốn năm người giúp việc. Không chỉ cho ra đời nhiều món bánh nướng ngon, độc, lạ giờ đây có thêm các loại trà sữa hương vị không quán nào cùng thành phố có được. Khách hàng chủ yếu là các cô cậu học trò, lứa tuổi teen thích ăn vặt rủ nhau đến quán ngày một đông hơn.

Nhờ quen thân tôi mới biết, cô gái sinh trưởng trong một gia nông dân nhiều con. Ông chú rể về quê thấy gia cảnh khó khăn đưa cháu vô xin cho làm nhân viên hợp đồng đơn vị sự nghiệp. Trong lần ghé thăm bạn học hồi phổ thông sinh sống ở thành phố cô được chuyển giao “công nghệ” bánh nướng Nhật Bản. Dù công thức, cách làm có bạn hỗ trợ nhưng để có những cái bánh, nước giải khát hợp gu tuổi teen cô đã không ít lần thất bại. Đồng lương vốn ít ỏi, làm thêm theo phương châm lấy công làm lời cũng chẳng hề dễ. Ngày hai bữa cơm hộp, tiền lương dành dụm cho việc nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm. Nhờ kiên trì, sáng tạo, cô đã tạo ra những loại bánh, trà sữa ngon, hương vị lạ hút khách. Vốn thấu hiểu cái khổ của mẹ cha nơi quê nhà cô chắt chiu từng đồng để phát triển sản phẩm mới và cho cuộc sống mai sau. Ngày đi làm ở cơ quan, hai ba giờ sáng thức chuẩn bị nguyên liệu, tối bán bánh và theo học đại học từ xa. Nhờ vậy, cô được vào biên chế, có bằng đại học và sau gần chục năm làm việc, tích lũy đã xây được căn nhà cấp bốn diện tích gần trăm mét vuông. Hàng tháng cô không quên gửi tiền về phụng dưỡng cha mẹ già ở quê. Mọi người khen giỏi giang, cô cười tươi cho biết, tất cả là nhờ Ngoại chỉ, mẹ dạy: Chi tiêu phải biết để dành, hôm nay vài chục ngàn, mai vài trăm rồi một hai triệu đồng và…. Thì ra con người cũng như đàn kiến nếu chịu khó cần kiệm thì dù khó khăn đến mấy cũng đạt được mục tiêu.

Chuyện cô viên chức cần mẫn, giỏi tích lũy vươn lên có người cho rằng xưa rồi, nay là thời chi tiêu thì xã hội mới phát triển. Ví như nước Mỹ giàu nhất thế giới là nhờ họ khuyến khích người dân vay nợ để tiêu dùng. Đúng sai ra sao chưa biết nhưng ở quê tôi sau ngày 30 tháng 4 có những người từng tự hào “nước sông D hết thì họ mới hết tiền”. Thời gian qua mau, nước sông D thì vẫn chảy đều đều nhưng đất đai, gia sản của họ đã không cánh mà bay và con cháu nay mỗi người một phương. Có lẽ “kiến tha lâu đầy tổ” là bài học của sự phát triển bền vững mà cha ông ta đã đúc kết vẫn còn nguyên giá trị trong thời kinh tế thị trường đầy rủi ro như hiện nay.