CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Đừng để tiền mất tật mang!

(NTO) Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số “chiêu” lừa đảo, tuy cách thức không mới và đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành nhưng cũng làm cho một số người dân mất cảnh giác đã “sập bẫy” lừa này. Mới đây, anh bạn tôi hớt ha hớt hải gọi điện cho biết vừa nhận được cuộc điện thoại mà “đầu dây” bên kia xưng là công an điều tra phát hiện anh có dính dáng đến đường dây “rửa tiền” liên quan đến ma túy. Nếu muốn không bị bắt "khẩn cấp" thì phải nộp tiền vào tài khoản mà đối tượng kia cho... Anh lo lắng phân trần: - Lâu nay mình chỉ biết buôn bán, có biết gì đến rửa tiền, rửa bạc mà công an đòi bắt!. - Vậy ông có hỏi địa chỉ cụ thể của người gọi không?. Tôi hỏi. Anh nói: - Khi “bấm” lại số máy đã gọi thì… không liên lạc được!. Một số người quen khác của tôi cũng bị... đối tượng gọi tới với nội dung tương tự. Tuy có cảnh giác nên không bị lừa mất tiền nhưng cũng tạo sự lo lắng vì cho rằng “họa vô đơn chí”, biết đâu có người “vu oan” để rồi khi mọi việc sáng tỏ thì cũng tan nát cả gia can rồi. Người xưa nói “được vạ má sưng” cũng không sai. Chính từ quan niệm này mà không ít người muốn yên ổn để làm ăn nên đã bị lừa mất số tiền không nhỏ. Không đâu xa, ngay trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm mới đây đã xảy ra một số vụ việc rất đáng tiếc. Đơn cử như, ngày 6-6, bà P.T.M (70 tuổi) ở phường Thanh Sơn, nhận được một cuộc gọi vào máy bàn của gia đình. Đầu dây bên kia xưng là cán bộ của Bộ Công an rồi chuyển máy cho một người đàn ông tên Bình làm ở Đội điều tra ma túy Công an Ninh Thuận. Người này cho biết gia đình bà M. có dính líu đến đường dây ma túy cực lớn, yêu cầu bà muốn êm phải gởi tiền vào tài khoản cho ông Trần Thế Quynh và Bùi Xuân Tài nếu không sẽ bị bắt giam. Quá lo sợ bà M. gởi 267 triệu đồng vào số tài khoản của ông Quynh ở Ngân hàng BIDV và 300 triệu đồng vào tài khoản của ông Tài ở Ngân hàng Sacombank. Tương tự thủ đoạn này, ngày 9-6, bà T.T.Th. (56 tuổi) ngụ phường Kinh Dinh cũng nhận được điện thoại của một người đàn ông xưng là thượng tá Bình, công tác ở Bộ Công an. Người này cho biết đang điều tra hành vi mua bán ma túy và rửa tiền của bà Th. và yêu cầu nếu không muốn bị bắt phải chuyển tiền vào tài khoản của ông Trần Văn Khiêm theo tài khoản tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hạ Long, Quảng Ninh. Lo sợ bà Th. đã chuyển 120 triệu đồng...

Vậy vì sao các đối tượng biết được số điện thoại của “khổ chủ” cả số di động và cố định tại nhà, thậm chí biết cả tiền gởi ở ngân hàng!. Tất nhiên, muốn lừa được thì phải “điều nghiên” kỹ, biết “quy luật” của từng “đối tượng” sau đó mới ra tay. Nhưng để giải mã “ẩn số” đã nêu cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng xem đây là ngẫu nhiên hay có sự tiếp tay của “người trong cuộc”, liên quan!. Chỉ có điều kịch bản mà nhóm đối tượng thực hiện thuộc vào hàng “chuyên gia” về tâm lý tội phạm. Từ cách dàn dựng kịch bản tiếp cận nạn nhân, nhất là phụ nữ, dẫn dắt, cuốn hút vào “mê hồn trận”, rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý, khiến họ rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn, để rồi làm theo những yêu cầu của đối tượng lừa đảo. Trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi này, theo cảnh báo của cơ quan chức năng: Khi có người tự xưng là cán bộ công an… gọi điện đến hỏi việc, người dân cần hết sức cảnh giác; cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập. Người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Mặt khác, cơ quan chức năng khi cần tạm giữ tài sản, tiền phải có quyết định và lập biên bản. Do đó, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng.

Một chiêu lừa khác người dân cũng cần cảnh giác đó là mạo danh cán bộ thanh tra đến kiểm tra hoặc nhân viên thu tiền điện, nước... để đến nhà người dân lừa tiền, tuy không lớn, chỉ vài ba triệu đồng nhưng tạo nên sự bất ổn xã hội.

Vấn đề đặt ra là cảnh giác không bao giờ thừa, đừng nhẹ dạ mà “tiền mất tật mang”.