Tháo gỡ khó khăn trong liên kết phát triển cây mì ở Ninh Sơn

(NTO) Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn cho biết, trong vụ mì 2016 – 2017, toàn huyện xuống giống trên 2.300 ha, sản lượng bình quân chỉ đạt trên 20 tấn/ha, giảm từ 3 - 4 tấn/ha. Khi bước vào thu hoạch rộ, giá mì thấp hơn những năm trước từ 300 – 500 đồng/kg. Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng này xảy ra khi đến vụ thu hoạch mì.

Ông Trần Quốc Việt, thôn Thạch Hà (xã Quảng Sơn) đầu tư trồng hơn 7 ha mì, nếu như mọi năm “mưa thuận, gió hòa” trung bình mỗi ha ông có lãi gần 15 triệu đồng nhờ giá thu mua mì cao. Tuy nhiên, năm nay hơn 7 ha mì sau khi thu hoạch xong, trừ các khoản chi phí như phân, giống, nhân công… số tiền lãi còn lại chẳng là bao. Theo ông Việt, bước vào đầu vụ, giá mì còn nằm ở mức 1.850 đồng/kg (mì đạt 30 độ bột), tuy nhiên khi vào thu hoạch rộ giá rớt xuống còn 1.500 đồng/kg, rồi rớt xuống tiếp còn 1.300 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư lại cao hơn do tình hình hạn hán. Chưa kể đến vụ thu hoạch rộ, nông dân đều tranh thủ thu hoạch đại trà làm nhà máy thu mua không kịp, một số hộ phải phơi mì từ 2-3 ngày nên giảm thêm chữ bột, vì thế giá thu mua thực tế chỉ còn trên dưới 1.000 đồng/kg.

Nông dân xã Quảng Sơn thu hoạch mì niên vụ 2016-2017.

Lâu nay, cây mía và cây mì được xem là cây trồng chủ lực, có thế mạnh của huyện Ninh Sơn, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, thậm chí làm giàu cho nông dân. Nếu như cây mía có nhà máy của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang bao tiêu hỗ trợ, thì với cây mì, đến nay người trồng vẫn phải tự lo và còn lệ thuộc rất nhiều yếu tố. Vì vậy, đến mùa thu hoạch nếu được mùa thì có thể mất giá, nếu năm được giá thì lại mất mùa…

Được biết, hiện nay sản phẩm từ cây mì trên địa bàn huyện Ninh Sơn chủ yếu bán cho Nhà máy Chế biến tinh bột mì Fococev-Ninh Sơn. Ông Hồ Đức Tiên, Giám đốc Nhà máy cho biết: Giá mì trong vụ thu hoạch vừa qua thấp là do thị trường biến động, giá bột mì thành phẩm mà nhà máy bán ra cũng giảm từ 1.500 -2.000 đồng/kg so với trước. Vì thế, buộc nhà máy phải giảm giá thu mua mì nguyên liệu của nông dân. Về vấn đề thu mua chậm, do khi vào vụ rộ, nông dân ồ ạt thu hoạch sản lượng trung bình mỗi ngày vài trăm tấn, nhà máy chạy hết công suất chỉ đạt 120 tấn/ngày, tuy vậy đến cuối tháng 4, nhà máy vẫn cố gắng điều tiết và thu mua hết lượng mì trong nông dân, không để tồn đọng.

Có thể nói, “lời giải” chính là việc lâu nay khâu liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ, không có ràng buộc thông qua hợp đồng về bao tiêu sản phẩm. Việc quy hoạch vùng sản xuất chưa rõ ràng nên tình trạng mở rộng sản xuất, thu hoạch ồ ạt dẫn đến việc tiêu thụ bị dồn ứ, thiếu chủ động vẫn thường xuyên xảy ra. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Vừa qua UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng ra làm cầu nối để doanh nghiệp (Nhà máy Fococev-Ninh Sơn) và nông dân trồng mì các địa phương ngồi lại đối thoại cùng nhau, tìm tiếng nói chung trong khâu liên kết. Tuy nhiên, tại khu vực trồng mì trọng điểm xã Quảng Sơn, nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa đạt được thỏa thuận trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đối với một số địa phương như Hòa Sơn, Lương Sơn nông dân đã cơ bản đồng ý liên kết. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục đề nghị xã Quảng Sơn vận động nông dân cùng với doanh nghiệp tìm giải pháp thiết thực nhất. Chủ trương của huyện Ninh Sơn đang đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp đến năm 2020, trong đó cây mì vẫn được xác định là cây trồng chủ lực với diện tích canh tác hằng năm ổn định khoảng 2.500 ha.

Về việc liên kết bao tiêu trong vụ mì mới 2017 – 2018, ông Hồ Đắc Tiên, Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột mì Fococev-Ninh Sơn, cho biết: Qua nhiều lần đối thoại, nông dân xã Quảng Sơn mong muốn phía nhà máy ký kết hợp đồng cụ thể với từng hộ, tuy nhiên cơ chế hoạt động của nhà máy không thể kiểm soát cả ngàn hộ, chúng tôi mong muốn việc ký kết thông qua các tổ, nhóm được địa phương thành lập đứng ra quản lý để thuận tiện trong việc điều tiết khi đến thời điểm thu mua, tránh tình trạng thu hoạch đại trà rồi đổ lỗi nhà máy thu mua chậm. Vấn đề bao tiêu đầu ra chúng tôi vẫn thực hiện ký kết theo thỏa thuận với nông dân. Trước mắt, phía nhà máy đã đạt được thỏa thuận liên kết với nông dân 2 xã Hòa Sơn và Lương Sơn, diện tích bao tiêu khoảng 330 ha. Đây được xem là hợp đồng bao tiêu “thí điểm” đầu tiên của chúng tôi triển khai trên địa bàn Ninh Sơn. Nếu thực hiện tốt trong vụ tới chắc chắn sẽ mở rộng diện tích và còn giải quyết được vấn đề đầu ra hiệu quả.

Trên thực tế, “chìa khóa” để tháo gỡ khó khăn cho cây mì đã có, cả nông dân và doanh nghiệp đều mong muốn được liên kết, tuy nhiên cách để họ cùng chung tay vào “mở khóa” vẫn còn khó khăn nhất định. Tin rằng, với sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, sự mạnh dạn của nông dân và chính doanh nghiệp sẽ góp phần sớm đưa cây mì phát triển bền vững, mang lại hiệu quả lâu dài trong thời gian tới.