Mặt thật của Việt tân qua một cuộc họp báo

Ngày 29-4-2017, ông Nguyễn Thanh Tú - con trai của nhà báo Đạm Phong (người bị giết hại dã man tại Mỹ năm 1982), đã tổ chức họp báo ở thành phố San Jose, California (Xan Giô-sê, Ca-li-pho-ni-a), cung cấp một số tài liệu liên quan đến tổ chức khủng bố Việt tân như: giết người; lập nhiều tổ chức “ma” và quyên góp dưới danh nghĩa “ủng hộ quốc nội” để lừa gạt, trục lợi; thao túng chương trình tiếng Việt của RFA cùng một số cơ sở báo chí của người gốc Việt ở nước ngoài…

Lược ghi từ video clip (đoạn phim) về cuộc họp báo được công bố trên YouTube sẽ giúp bạn đọc có thêm tư liệu nhận rõ bản chất xấu xa, âm mưu đen tối, thủ đoạn tàn bạo của một tổ chức khủng bố đã và đang tiến hành nhiều hoạt động phá hoại sự ổn định, phát triển của Việt Nam.

“Tôi là Nguyễn Thanh Tú, con của cố ký giả Đạm Phong. Bố tôi là cố ký giả Nguyễn Đạm Phong. Ngày 24-8-1982, băng đảng Việt tân đã thủ tiêu bố tôi. Trước khi A.C Thompson (A.C Thôm-xơn, phóng viên PBS - chú thích của người viết) gặp tôi để thực hiện cuốn phim Khủng bố ở Sài Gòn nhỏ (Terror in Litte Saigon), năm 2015 có hai phóng viên điều tra cũng muốn làm phim về tội ác này, nhưng vì lý do riêng, tôi đã từ chối. Sau khi bộ phim được phát hành năm 2015, tôi nhận được hàng chục nghìn email từ trong và ngoài nước Mỹ. Tôi đã so sánh quan điểm giữa các cộng đồng Việt Nam ở trong nước và hải ngoại. Với những người ở trong nước, hàng chữ đầu tiên của họ là xin chia buồn cùng gia đình anh Tú. Về làng báo chí của Mỹ, họ ủng hộ và tất cả đều hỏi thăm gia đình tôi, cũng như đề nghị giúp đỡ. Nhưng cộng đồng người Việt Nam hải ngoại, nhất là truyền thông hải ngoại lúc nào cũng bận rộn với câu hỏi ai đứng sau lưng anh, cộng sản là ai. Họ hỏi những điều mà tôi không hiểu gì cả. Tôi buồn cười vì tôi là một người con đi tìm công lý nhưng bị chụp mũ là cộng sản! Tôi hổ thẹn với làng báo chí Mỹ. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại có cả trăm hội đoàn, hội đồng liên tôn, tổ chức chính trị và truyền thông nhưng chưa ai lên tiếng hỏi về gia đình tôi, hay muốn biết tôi hiện sống ra sao. Tôi ước chi các anh hỏi thăm những phút cuối cùng bố tôi sống ra sao. Vì nếu các anh đặt ra hỏi câu đó thì các anh sẽ hiểu tại sao có ngày hôm nay.

Bấy giờ bố tôi đã bị đe dọa. Lúc đầu, họ mua chuộc nhưng không được, dù khi ấy nhà tôi nghèo lắm. Bố tôi không chịu. Rốt cuộc, họ đã đưa ra ba thông điệp cho bố tôi và hai cộng sự. Hai người đó đã hẹn với bố tôi để bàn về thông điệp đó ở một quán cà-phê. Thông điệp rất đơn giản “ngừng hay là mất mạng?”. Bố tôi nói câu này: “Các anh muốn sống tự do, đừng sợ chết. Hai anh về nhà với vợ con đi”. Tôi cũng có mặt ở đó. Một người nói với tôi: “Tú, bố cháu cứng đầu quá”. Bố tôi đã nói: “Việc này tôi phải làm. Nếu tôi không làm, các anh sẽ sống, tranh đấu trong một bóng tối”. Tôi không ngờ mấy chục năm sau mình lại đứng trước cộng đồng để nhắc lại những câu như thế. Việc này tôi phải làm, nếu tôi không làm thì thế hệ một rưỡi, thế hệ hai sau này vẫn đang tranh đấu trong một bóng tối. Tôi biết họ dọa tôi, nhưng tôi cũng như bố tôi, trong lúc bị dọa, bố tôi đã không bỏ trốn. Ông vẫn tiếp tục đấu tranh. Tôi từng thắc mắc chuyện này: cộng đồng Việt Nam vẫn nói Việt tân là “hậu thân”, “Mặt trận” là “tiền thân” (“Mặt trận”: tên đầy đủ là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” thành lập năm 1980 tại Mỹ, Hoàng Cơ Minh làm “chủ tịch”, thành phần chủ yếu là sĩ quan, viên chức của chính quyền Sài Gòn trước đây, đã tiến hành một số cuộc xâm nhập vũ trang nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam nhưng đều thất bại. Năm 1987, Hoàng Cơ Minh bị bắn chết trong một lần xâm nhập. Năm 2004, “Mặt trận” tuyên bố giải tán, tổ chức khủng bố Việt tân ra đời với vai trò là tổ chức kế tục của “Mặt trận” - chú thích của người viết). Lúc ấy, tôi mới biết cộng đồng Việt Nam bị lừa gạt. Muốn hiểu Việt tân, cộng đồng Việt Nam phải hiểu chính sách của họ là gì. Chiến lược là “Việt tân” và chiến thuật là “Mặt trận”. “Đảng” là trường kỳ, “Mặt trận” là giai đoạn. Năm 2004, khi Việt tân giải tán “Mặt trận Hoàng Cơ Minh” để chứng minh ai có quyền, ai là đầu não, chính sách mới của Việt tân là bất bạo động. Thế nhưng, hãy xem chính sách bất bạo động mà ông Hoàng Cơ Định (em trai Hoàng Cơ Minh, hiện là một trong những kẻ cầm đầu và là người phụ trách tài chính của “Việt tân” - chú thích của người viết) đã gửi cho tôi: “Ông Đạm Phong, bố của Tú qua đời. Vì tôn trọng người quá cố, người ta không muốn nhắc hay phê bình việc làm của ông ta trước kia. Tuy nhiên, hành vi và tư cách của Nguyễn Thanh Tú đã làm sống lại con người của Đạm Phong. Nguyễn Thanh Tú cũng noi gương cha đùa bỡn với cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ Việt Nam của đồng bào mình. Nguyễn Thanh Tú đã không đưa ra những bằng cớ cho phép tìm ra thủ phạm - kẻ hạ sát bố mình nhưng anh đã cho nhiều người cảm nhận chuyện không may xảy ra cho ông Đạm Phong trước kia”. Tóm lại, ý của ông Hoàng Cơ Định muốn nói rằng: Đạm Phong cha xứng đáng bị giết, Đạm Phong con cũng như vậy. Đó là chính sách của Việt tân về bất bạo động. Còn đây là những gì Hoàng Tứ Duy (Hoàng Tứ Duy: con trai của Hoàng Cơ Định, hiện nay là “người phát ngôn” của “Việt tân” - chú thích của người viết) viết: “Việc Nguyễn Thanh Tú và đồng bọn đang làm là tiếp tay giải tỏa áp lực cho chế độ cộng sản Việt Nam, làm tản lực đấu tranh chung của người Việt. Chúng tôi kính kêu gọi mọi ban chấp hành, cộng đồng, mọi cơ quan truyền thông và hội đoàn hãy cảnh giác và cô lập những kẻ phá hoại”. Chữ “cô lập” cũng là chữ họ dùng với bố tôi trước khi thủ tiêu ông. Còn đây là nội dung của thành viên Việt tân thứ ba: “Thằng Tú phải tử thôi, chó chết! Bà con xem nó ở đâu xử trảm con trùm khuyết tật Việt gian này”. Thành viên thứ tư viết: “Tôi ủng hộ bất cứ tổ chức hải ngoại nào tổ chức tiêu diệt ám sát bọn cộng sản nằm vùng”…

Tôi là một nạn nhân. Thủ đoạn của họ là gọi tôi là cộng sản. Bố tôi cũng là một nạn nhân như vậy. Họ vứt báo, chặn đường, đánh và chĩa súng vào bố tôi. Khi phim Khủng bố ở Sài Gòn nhỏ ra mắt, họ gọi A.C.Thompson, D.Doug (D.Đâu), Tony (Tô-ni) Nguyễn là cộng sản… 42 năm qua chúng ta bước vào đất nước được coi là “thiên đàng của tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Tự do ngôn luận không phải là cứ bất đồng quan điểm thì bị coi là cộng sản. Tự do ngôn luận có nghĩa là chúng ta phải đối xử với nhau một cách quân tử. Còn với quyền tự do báo chí, tôi không được phép cấm ông Nguyễn Phương Hùng và Vũ Hoàng Lân quay phim (Nguyễn Phương Hùng và Vũ Hoàng Lân là phóng viên của KBC hải ngoại và Phố BolsaTV tại Mỹ - chú thích của người viết). Tôi không phải là con cờ chính trị của bất kỳ phe phái nào. Trước khi tôi thực hiện cuộc điều tra này, bố tôi đã lường trước rằng, khi ông nằm xuống truyền thông Việt Nam hải ngoại sẽ bị “Việt tân hóa” hết. Chiến lược của bố tôi là phải đóng hết những cái vòi bạch tuộc, những cái loa phát ngôn để cô lập nó. Bạch tuộc ở đây là Việt tân.

Tôi muốn trình bày sơ bộ về VOISE và lý giải tại sao tổ chức này quan trọng với Việt tân như vậy? (VOISE: tổ chức ngoại vi của Việt tân do Trịnh Hội cầm đầu - chú thích của người viết). VOISE xin gây quỹ của chương trình NED (Quỹ quốc gia phát triển dân chủ - National Endowment for Democracy). VOISE được NED tài trợ nhờ sự “tín nhiệm” của NED dành cho tổ chức này. Để nhận được sự tín nhiệm, VOISE làm đơn xin tài trợ. Trong đơn xin tài trợ công bố trên internet (in-tơ-nét), VOISE tự nhận tổ chức của họ được thành lập từ năm 1997; và họ tự nhận từ năm 1997 đã cứu được 1.573 người tị nạn từ châu Phi qua. Chuyện này không có thật. Tôi biết điều đó, vì tôi đã viết một lá thư cho NED nhờ họ thẩm định. Giai đoạn 1997 - 2001, VOISE không hề tồn tại. Lúc đó, Trịnh Hội còn làm việc cho LAVAS (Tên viết tắt tiếng Anh của cái gọi là “Dự án hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam tị nạn” - chú thích của người viết) một tổ chức dưới quyền BPSOS (tên viết tắt tiếng Anh của cái gọi “Ủy ban cứu trợ thuyền nhân - chú thích của người viết). Điều thứ hai, VOISE nhận rằng đã cứu được 1.573 người tị nạn và đưa đến nước Mỹ. Đây là thông tin bịa đặt, vì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác nhận một sự thật khác. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không cho phép và không cần VOISE giúp đỡ những người này. Chính Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa gần 2.000 người đó đến Mỹ chứ không phải VOISE.

Thật ra bấy giờ LAVAS cũng không còn hợp tác với BPSOS. Tuy nhiên, LAVAS vẫn hoạt động do được gây quỹ bởi luật sư Nguyễn Quốc Lân. Ông này đã gây quỹ cho Trịnh Hội. Chính sách và cách thức làm ăn của LAVAS giống hệt Việt tân, không ghi danh với sở thuế, không nộp tiền vào ngân hàng. Họ gây quỹ ít nhất là 300 nghìn USD nhưng số tiền này đã đi về đâu khi họ không hề có tài khoản tại ngân hàng. Nguyễn Đình Thắng (nhân vật có nhiều hoạt động chống phá Việt Nam, là kẻ cầm đầu BPSOS - chú thích của người viết) tố cáo LAVAS không được làm điều này, nhưng họ vẫn tiếp tục gây quỹ. Một trong những người dính líu đến việc đó là nhạc sĩ Nam Lộc. Quỹ nào liên quan đến Việt tân như SBTN (một địa chỉ truyền thông chống cộng cực đoan của người Mỹ gốc Việt, trước đây ông Nguyễn Thanh Tú cho biết SBTN có quan hệ rất chặt chẽ với Việt tân - chú thích của người viết), “Quỹ bên em đang có ta” (Một hoạt động do SBTN tổ chức dưới danh nghĩa “ủng hộ đồng bào trong nước” nhằm quyên góp tiền bạc từ người Mỹ gốc Việt - chú thích của người viết) đều có sự xuất hiện của Nam Lộc. Nam Lộc đã đồng lõa với họ. Như vậy tại thời điểm 2004, LAVAS “ma” giống như Việt tân “ma” ra đời.

Trong giai đoạn 2005-2007, Trịnh Hội đã mua liên tiếp ba cái nhà, trong khi anh ta mới chỉ sang Mỹ từ năm 2002 và bố mẹ thì rất nghèo. Vậy anh ta làm gì có tiền. Năm 2007, Hoàng Tứ Duy là một trong những người lập ra VOISE. Hoàng Tứ Duy chính là phát ngôn viên của Việt tân. Lúc này, Trịnh Hội lại đang ở Việt Nam đóng phim 14 ngày phép.

Từ năm 2007 đến năm 2010, Trịnh Hội mua thêm một căn nhà có giá hơn một triệu USD ở Oa-sinh-tơn (Washington) chỉ để phục vụ cho các hoạt động của Hoàng Tứ Duy. Lúc ấy, VOISE thực chất hoạt động dưới quyền của Hoàng Tứ Duy. Đây là sự thật về VOISE mà nghị viên TP San Jose là Tâm Nguyễn không muốn ai biết.

Tại sao những điều này lại quan trọng? Tôi đã trình bày những nội dung đó cho NED. Tôi yêu cầu nếu những thông tin trên đúng sự thật thì họ phải chuyển nội dung đó cho Văn phòng Tổng Thanh tra và Bộ Ngoại giao. Sau khi thẩm định, NED hồi âm rằng họ đã gửi thông tin cho Văn phòng Tổng Thanh tra và Bộ Ngoại giao. Mục tiêu của tôi là chặt những bàn tay gây quỹ của Việt tân để họ không thể lợi dụng cộng đồng Việt Nam được nữa. VOISE cũng tổ chức một chương trình khác mang tên “Quỹ sen hoa” ở Ca-na-đa. Quỹ này cũng thuộc về Việt tân.

Tôi muốn nói về ông Đỗ Thông Minh (một trong những kẻ lập cái gọi là tổ chức “Người Việt tự do” ở Nhật Bản, cũng là một trong mấy kẻ cùng Hoàng Cơ Minh lập ra “Mặt trận” - chú thích của người viết). Và đây là đoạn hội thoại giữa tôi với ông Đỗ Thông Minh: “Nguyễn Thanh Tú: Xin vui lòng cho tôi hỏi về lời tuyên bố của ông Hoàng Cơ Minh, “mặt trận” đã vào được đất mẹ và bắt tay vào thống hợp 36 tổ chức với 10.000 tay súng. Chuyện đó có thật không anh? - Đỗ Thông Minh: Chuyện đó không có thật. Con số 10.000 là giả; Nguyễn Thanh Tú: Nếu chuyện đó không có thật thì có phải là lừa gạt cộng đồng hải ngoại không? - Đỗ Thông Minh: Đồng ý, nhưng đó là sự lừa gạt theo công lý!; Nguyễn Thanh Tú: Sự lừa gạt ấy là ý kiến của ai? - Đỗ Thông Minh: Tôi phản đối ông Hoàng Cơ Minh chuyện đó. Nhưng ông Minh nhất định làm. Trong năm người chết có hai người đáng coi là nạn nhân trực tiếp vì những bài báo họ viết đã xúc phạm “Mặt trận” nặng nề. Đó là nhà báo Đạm Phong của tờ Tự do năm 1982 và ký giả Lê Triết của tờ Văn nghệ tiền phong năm 1990”. Điều này cho tôi thấy “mặt trận Hoàng Cơ Minh” ra đời từ động cơ dối trá. Lời của Đỗ Thông Minh cho thấy ông biết sự thật nhưng im lặng. Thậm chí ông còn đưa lên báo Kháng chiến về thông tin 10.000 quân. Đó là hành động âm mưu, đồng lõa dù ông không còn địa vị trong Việt tân.

Tôi xin nói tiếp về RFA. Năm 2011, trong chương trình “Đại hội thanh niên sinh viên Việt Nam - thế giới” (một hoạt động do Việt tân tổ chức - chú thích của người viết), có một người là Thái Văn Dung nêu vài câu hỏi thắc mắc về Việt tân với Lilly Nguyễn. Chỉ vì anh ta đặt ra các câu hỏi về Việt tân mà Lilly Nguyễn đã đưa ngày sinh tháng đẻ, chỗ ở hiện tại của Thái Văn Dung tại Việt Nam lên trang tin của RFA. Chẳng những vậy, cô ta còn công khai cả hộ chiếu, mọi thông tin hoạt động của Thái Văn Dung. Thời điểm đó, RFA nằm dưới quyền của Nguyễn Văn Khanh (trưởng ban tiếng Việt của RFA - chú thích của người viết). Sau chuyện này, Thái Văn Dung đã trở về Việt Nam. Anh ta bị bắt cùng 13 người khác và đã bị tuyên án. Tôi nói chuyện với Mẹ Nấm để phục vụ công tác điều tra, cô ta xác nhận điều này là có thật (Mẹ Nấm: tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người gần đây bị cơ quan công an Việt Nam khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”). Trước việc này, RFA đã làm gì? Họ tổ chức một chương trình lấy tên gọi là “Phải lên tiếng” (Speak up). Trịnh Hội, Nam Lộc, Nguyễn Văn Khanh còn lên SBTN trong chương trình “Ủy ban vận động nhân quyền” do SBTN dựng lên để gây quỹ cho 14 người ấy. Nhưng họ gây quỹ cho ai khi những người ấy vào tù vì họ? Họ đổ thừa cho Chính phủ Việt Nam, nhưng Chính phủ Việt Nam không làm gì cả, mà chính họ đã giao những người ấy cho chính quyền Việt Nam.

Cộng đồng đã biết chiến dịch “Triệu con tim” của phong trào “Dân chủ cho Việt Nam” (Democracy for Vietnam). Những người đã dựng lên phong trào này là Trần Trung Dũng, Đông Xuyến, Bình Nguyễn. Họ cũng là thành viên của Việt tân. Thế “Ủy ban nhân quyền cho Việt Nam” (Humanrights for Vietnam) do ai dựng ra? Đây cũng do băng đảng “Việt tân ma”, hai sáng lập viên phong trào này là Nguyễn Anh Tuấn và Đỗ Phủ của SBTN. Việt tân cũng gửi tiền cho Đào Bá Kế (tức Trần Quang Độ, chỉ huy cái gọi là “Đông tiến 3” do Việt tân tổ chức xâm nhập vào Việt Nam, bị bắt năm 1989 và bị tuyên án chung thân - chú thích của người viết). Đào Bá Kế là “kháng chiến quân của Việt tân”. Điều này làm sáng rõ ở bên Mỹ muốn làm triệu phú dễ dàng thì chỉ có hai công việc: kinh doanh chống cộng và kinh doanh thiện nguyện.

Điều tiếp theo mà tôi muốn nói là chương trình “Hát cho nhân quyền Việt Nam” là chương trình gây quỹ của “Nhân quyền cho Việt Nam” phối hợp cùng SBTN. Họ dùng chữ phối hợp với SBTN, nhưng Nguyễn Anh Tuấn và Đỗ Phủ lại cùng là thành viên hai tổ chức này. Họ dùng chính sách không khác gì Việt tân và “Mặt trận”. Trên Việt báo Online, họ thông báo đã gây quỹ được 51.000 USD và nói tiền còn đang tăng. Nhưng khi khai báo với Ủy ban thương mại liên bang, họ nói rằng chỉ thu được 2.200 USD vì 96% cộng đồng Việt Nam “hứa cuội”. Đây là chuyện mà tôi kiện SBTN, “Nhân quyền cho Việt Nam” và Việt tân, vì tôi đã có PAC receipt (biên lai thống kê) số tiền quyên góp thật sự. Tôi xin nói tiếp về “Quỹ bên em đang có ta” của Diệu Quyên, vợ nhạc sĩ Trúc Hồ. SBTN quảng cáo họ sẽ phối hợp với “Quỹ bên em đang có ta”, nhưng quên nói chi tiết Nguyễn Anh Tuấn, Đỗ Phủ và nhạc sĩ Trúc Hồ có quan hệ mật thiết với nhau. Không ai khác, thủ quỹ của chương trình chính là Diệu Quyên. Vậy hành động này khác gì “tay trái đưa tay phải”. Đây là một điều nguy hiểm, vì hoàn toàn dính líu đến Việt tân. Thông báo của Sở Thuế cho thấy Trương Anh Hùng (Trúc Hồ), Diệu Quyên, Đỗ Phủ, Nguyễn Anh Tuấn, Hoàng Tứ Duy đều biết điều đó.

Ba mươi năm nay, cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã bị lừa gạt dưới âm mưu của dòng chính truyền thông của mình. Truyền thông đã bán đứt cộng đồng Việt Nam vì đồng tiền. Tôi gọi là truyền thông, nhưng nó không xứng đáng với cụm từ này. Họ đã làm việc một cách vô lương tâm, vô đạo đức, không có tình đồng nghiệp. Trịnh Hội và VOISE không hoạt động như ngày xưa nữa. Việt tân đã rất khổ với tôi vì NED ngừng tài trợ cho VOISE. Đây là chiến thắng lớn lao mà tôi đạt được mà nhiều người không thấy”.

Tiếp theo là lược ghi một số nội dung trao đổi tại cuộc họp báo:

Hỏi: Có phải vì anh không đủ chứng cứ về vụ ám sát cho nên anh chuyển sang điều tra thuế vụ?

- Nguyễn Thanh Tú: Khám phá ra tội ác của mafia không phải từ FBI, cảnh sát mà chính là thuế. Xác chết giấu được nhưng tiền, gia tài, nhà cửa, vàng thì không thể. Mọi việc tôi bắt đầu từ thuế mà ra. Bố tôi bị giết. Tôi biết hung thủ là ai. Tôi tha cho họ vì những người này đã gần đất xa trời. Tôi không muốn gia đình họ phải trải qua những gì mà gia đình tôi đã phải chịu đựng. Nhưng Việt tân là cái trường kỳ cần phải kết thúc. Đó là chính sách cần phải kết thúc.

Hỏi: Chúng ta thấy chuyện khủng khiếp là những người tự xưng viết văn, làm báo ở Nam Cali không ai ủng hộ Nguyễn Thanh Tú?

- Nguyễn Thanh Tú: 30 năm nay, cháu không tham gia vào cộng đồng Việt Nam. Cái cháu thấy nhục nhã nhất là chưa cộng đồng nào thấy năm người Việt nằm xuống chết như vậy mà không hề lên tiếng. Cả trăm hội đoàn, hội đồng liên tôn, tổ chức chính trị mà không một người lên tiếng. Cả một cộng đồng như vậy mà cuối cùng phải để một người Mỹ trẻ phải lên tiếng cho một đồng nghiệp. Cháu thấy hổ thẹn và đã muốn từ bỏ nhưng sau khi mẹ cháu khuyên con phải quay lại. Nhưng cháu hy vọng và kêu gọi những người cầm bút, vì tinh thần đồng nghiệp, vì sự thật. Vì sự thật sẽ giải phóng cộng đồng hải ngoại để chúng ta có một tiếng nói mạnh.

Hỏi: Tôi muốn hỏi anh Tú là anh muốn dẹp Việt tân. Nhưng anh phải nhớ một điều rằng rất nhiều hội đoàn kể cả hội đoàn tù nhân chính trị và cộng đồng ở khắp mọi nơi đều có người của Việt tân cài cắm trong đó. Vậy bây giờ anh dẹp Việt tân nhưng các thành viên Việt tân vào các hội đoàn, các cộng đồng thì anh giải quyết chuyện này thế nào?

- Nguyễn Thanh Tú: Khi cá mẹ chết, cá con sẽ chết hết. Nhiều người mời tôi qua Australia (Ô-xtrây-li-a), châu Âu, Canada, nhưng tôi từ chối. Cái đầu bạch tuộc là ở đây, khi tôi mổ phơi khô thành khô bạch tuộc thì các vòi chết hết. Tôi không sợ về chuyện đó. Khi băng đảng mafia chết, các thành viên mafia cũng chết. Tôi hiểu anh nói điều đó nhưng trước phải làm từ Sở Thuế. Kỳ này tôi làm được nhiều điều hơn với Sở Thuế là đã gửi thông tin đến Tổng Thanh tra Chính phủ. Vì Việt tân đã động đến Chính phủ Hoa Kỳ. Việt tân lừa gạt 204.000 USD của chính phủ chứ không phải cộng đồng Việt Nam. Những email tôi đưa ra đây là bằng chứng. Cộng đồng Việt Nam hãy tin cậy việc làm của tôi. Tôi làm việc rất khoa học. Chỉ có điều này, Việt tân mới sợ.

Hỏi: Trong đơn kiện, Việt tân gửi cho anh, ngoài tên anh còn có tên một người khác là Michael Dương. Cho tôi biết bà ấy là ai? Quan hệ giữa bà ấy và anh là như thế nào?

- Nguyễn Thanh Tú: Bà ấy chỉ là một người quen thôi. Có nhiều người đã giúp tôi về mặt tài chính. Có người giúp đỡ tôi đến mức sẵn sàng gửi thẻ ngân hàng cho tôi, nhưng tôi đã từ chối vì lý do riêng. Vì họ biết, con đường tôi đi rất minh bạch về tài chính. Sẽ đến lúc, tôi kêu gọi cộng đồng giúp tôi. Vì nó là đại cục, là chính nghĩa cho cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại và cho các nạn nhân vì tình nguyện đi theo ông Hoàng Cơ Minh mà bị tử hình tại Thái-lan. Trong số nạn nhân mà tôi và Thompson biết được, có người bị tử hình bằng 18 viên đạn chỉ vì ăn cắp một muỗng đường của ông Hoàng Cơ Minh. Có những người biết sự thật, trốn đi nhưng bị cảnh sát Thái-lan bắt về, cũng bị Hoàng Cơ Minh tử hình. Tại sao họ muốn rời đi vì họ muốn cộng đồng biết sự thật.

Theo Báo Nhân Dân