Góc nhìn mới về giảm nghèo ở Bác Ái

(NTO) Huyện miền núi Bác Ái có diện tích tự nhiên 102.730 ha, trong đó có 12.347 ha đất nông nghiệp, còn lại hầu hết là đất rừng và núi đá. Toàn huyện có dân số khoảng 28.500 người, đồng bào dân tộc Raglai chiếm 91%.

 
Nông dân xã Phước Tiến áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, từ năm 2009 đến nay, qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 30a, có thể thấy rõ sự đầu tư hỗ trợ nguồn lực rất lớn của Trung ương và tỉnh để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững ở huyện miền núi này. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, Bác Ái đã tranh thủ sự giúp đỡ chuyên môn của các sở, ngành, triển khai kịp thời các chương trình phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2009-2016 (tính đến ngày 30-9-2016), Chương trình hỗ trợ đầu tư huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và các chính sách lồng ghép ở đây đã được phân bổ với tổng kinh phí 720,36 tỷ đồng, trong đó có 46,46 tỷ đồng huy động từ các doanh nghiệp (DN), tổ chức cho các mục tiêu: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng; giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí và năng lực cho cán bộ xã, thôn… Những năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế-xã hội của huyện đang tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy có thay đổi về tiêu chí, cách tính, nhưng tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vẫn giảm đáng kể, bình quân giảm trên 8,2%/năm. Toàn huyện cơ bản xóa tình trạng nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo (với 2.722 căn nhà được xây dựng, vượt 6,5% kế hoạch, trong đó có 1.629 căn nhà theo Chương trình 167) và đạt được kết quả ban đầu về các mục tiêu hỗ trợ giao đất, giao rừng; đào tạo nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

 
Nông dân Phước Bình trồng cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thực hiện Nghị quyết 30a, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn miền núi Bác Ái đã có nhiều đổi mới. Năm 2016, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do nắng hạn, tổng giá trị sản xuất toàn huyện chỉ đạt 86,1% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, song cũng đã tăng 10% so với năm 2015. Về nông nghiệp, Bác Ái đã quan tâm chỉ đạo thực hiện 68 mô hình sản xuất, trong đó có 23 mô hình khuyến lâm, 43 mô hình khuyến nông, 2 mô hình nuôi cá nước ngọt. Các mô hình sản xuất đều phát triển tốt, giúp nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi của Nhân dân; nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như mô hình trồng bắp, lúa cho năng suất đạt 4-5 tấn/ha. Một số nông dân ở thôn Ha Lá Hạ (xã Phước Thắng) cho biết nhờ được hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân nên lúa trồng của họ lên rất tốt, bình quân năng suất đạt khoảng 6 tạ/sào. Đáng chú ý là được sự quan tâm của các ngành trong tỉnh, Bác Ái triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN, hợp tác xã (HTX) đầu tư trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Đến nay, toàn huyện có 3 HTX, 3 chợ, 9 DN (2 DN trồng cao su, 2 DN kinh doanh xăng dầu, 2 DN khai thác khoáng sản và 3 DN xây dựng), 36 trang trại vừa và nhỏ đang hoạt động.

 
Trường Mầm non Hoa Mai (Bác Ái) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Văn Miên

Sự chuyển biến ở Bác Ái còn thể hiện rõ qua lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nâng cao mặt bằng dân trí. Thực hiện chính sách đào tạo cán bộ tại chỗ, Bác Ái đã có 259 sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số theo học các ngành nghề tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học; ngoài ra đã cử 38 cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo tập trung và trên 300 lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Nhìn chung số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ bản đáp ứng nhu cầu nguồn lực của địa phương trong những năm tới. Đặc biệt, Bác Ái đã triển khai có hiệu quả các chính sách đào tạo nghề, cụ thể những năm qua đã tổ chức dạy nghề, tập huấn cho 5.143 lượt lao động, trong đó gắn với giải quyết việc làm cho 3.343 lượt lao động, gồm 5 nhóm ngành nghề chủ yếu (trồng trọt, chăn nuôi-thú y, xây dựng, sửa chữa máy nổ-xe máy, may công nghiệp).

 
Nhờ hỗ trợ vốn từ các dự án, các hộ dân xã Phước Đại đầu tư nuôi bò, từng bước thoát nghèo.

Nhìn chung, qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 30a, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện đã có khởi sắc. Tuy nhiên, so với kế hoạch vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Vì vậy để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Bác Ái đã đề ra những giải pháp quan trọng, trong đó trọng tâm là huy động các nguồn lực cho đầu tư, thực hiện các chính sách, đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; chú trọng việc lồng ghép các chương trình; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và tổ chức quản lý tốt các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới.