Khai thác hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

(NTO) Tỉnh ta là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, do vậy để khai thác có hiệu quả tiềm năng “thiên phú” này, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư, khai thác lợi thế về kinh tế biển của địa phương.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng đến việc thực hiện mục tiêu gắn khai thác hải sản với giải quyết việc làm và từng bước nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, với bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

Tàu thuyền neo đậu tại Cảng Ninh Chử sau khi đánh bắt hải sản trở về. Ảnh: Mai Dũng

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đã thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm động viên ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn “vững tin” đánh bắt hải sản tuyến khơi xa, nhất là tại Trường Sa, khu vực nhà giàn DK1... Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.760 tàu cá, với tổng công suất hơn 316.230 CV, trong đó chỉ trong quý I-2017 đã tăng 16 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói, xu hướng đóng tàu công suất lớn để đánh bắt dài ngày trên biển xa vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ khai thác hải đặc sản tầng đáy ngày một tăng lên. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có không dưới 1.000 tàu thuyền từ 90 CV trở lên, chiếm gần 1/3 số tàu và gần 87% tổng công suất. Với lực lượng hơn 20.000 lao động trên các tàu khai thác đã góp phần giữ gìn an ninh biển và bảo vệ chủ quyền trên biển, trong đó có đội tàu 260 chiếc, với hơn 2.600 lao động đăng ký thường xuyên hoạt động trên vùng “biển xa”. Trong số này, có 19 tàu dịch vụ, 241 tàu khai thác và trên 800 tàu/7.900 lao động thường xuyên hoạt động ở vùng lộng, vùng biển xa bờ. Một trong những cách làm hiệu quả của tỉnh, đó là đã tạo được “sức mạnh” của ngư dân trước biển cả mênh mông từ việc tập hợp các tàu thuyền dựa trên nguyên tắc 3 cùng: cùng nghề, cùng ngư trường và cùng địa bàn cư trú trên cơ sở tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, hợp tác sản xuất và cùng có lợi để thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 145 tổ đoàn kết, với 885 tàu cá tham gia. Trong số này có 845 tàu từ 90 CV trở lên, chiếm gần 86% tổng số tàu cá từ 90CV trở lên của tỉnh. Cùng với đó, việc xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cũng được quan tâm. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 150 tàu cá được trang bị thiết bị giám sát hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển. Ngoài ra, tất cả tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa bờ đều trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa để thông tin liên lạc với đất liền... Đáng phấn khởi là nhờ hình thành và đẩy mạnh hoạt động các tổ hợp tác khai thác, các tàu cá này không chỉ tổ chức đánh bắt hiệu quả trên các vùng biển xa, mà còn đoàn kết tương trợ nhau góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thực tế rất đáng ghi nhận là những năm qua tỉnh ta đã triển khai tốt các chương trình, dự án hỗ trợ ngư dân bám biển, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Đặc biệt là Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, từ 2011-2016 toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 460 hồ sơ với tổng số tiền hỗ trợ trên 30 tỷ đồng. Đồng thời, chi trả tiền hỗ trợ phí bảo hiểm khai thác hải với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng cho 415 hồ sơ... Về triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, chỉ tính trong 2 năm triển khai thực hiện (từ 2014-2016) đã có 40 dự án được phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng kinh phí phê duyệt 390 tỷ đồng. Hiện tại, đã có 19 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, tạo thêm nguồn lực cho bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển đảo của đất nước.

Ngư dân Cà Ná (Thuận Nam) chuẩn bị chuyến ra khơi. Ảnh: M.D

Giữa những ngày tháng 5 này, ngư dân trong tỉnh tập trung bước vào vụ cá Nam với trên 80% tàu thuyền khai thác đều đạt hiệu quả cao, nhất là những tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Có mặt tại “Trung tâm” nghề cá Cà Ná (Thuận Nam), chúng tôi cảm nhận được không khí nhộn nhịp cũng như niềm vui hiện rõ trên gương mặt của nhiều ngư dân sau mỗi chuyến biển. Theo lãnh đạo huyện cho biết: Để góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, hằng năm UBND huyện đã bám sát và cụ thể hóa kịp thời các giải pháp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội dựa trên các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên. Trong đó, tập trung phát triển khai thác và nuôi trồng hải sản; triển khai tốt các chương trình, dự án hỗ trợ ngư dân bám biển... Tính đến nay, toàn huyện có trên 950 tàu cá, với tổng công suất hơn 139.725 CV, bình quân 146 CV/chiếc và nếu tính riêng cho khối tàu từ 90 CV trở lên thì công suất trung bình đạt 250 CV/chiếc. Cùng với đó, trên địa bàn huyện đã thành lập được 99 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển. Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP và 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ, huyện đã chỉ đạo các ngành có liên quan và 3 xã Phước Diêm, Phước Dinh, Cà Ná tích cực vào cuộc. Theo đó, đã có 30 hồ sơ đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, trong số này có 24 hồ sơ đóng mới, hiện đã có 9 dự án được phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn gồm 7 tàu đóng mới, 2 tàu nâng cấp... Có thể nói, nghề cá của huyện phát triển đã đóng góp từ 64-69% giá trị cho khu vực nông -lâm -thuỷ sản, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người dân cao hơn, đạt trên 55 triệu đồng/người/năm và góp phần đáng kể hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo. Theo thống kê, riêng 2 xã vùng biển là Cà Ná, Phước Diêm tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ chiếm dưới 5%.

Phát huy những kết quả đạt được, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về “Phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có tổng số tàu thuyền khoảng 2.900 chiếc/380.000 CV; sản lượng khai thác đạt 70.000-75.000 tấn, trong đó khai thác xa bờ chiếm 65%; định hướng phát triển khai thác hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng lãnh hải của Tổ quốc trong thời gian tới của tỉnh, đó là: Tổ chức đánh bắt hợp lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả khai thác, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cộng đồng ngư dân vùng biển, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng biển, giảm khoảng cách tụt hậu với các tỉnh trong khu vực,... thì trong khai thác cần có những định hướng hành động phát triển khai thác hải sản xa bờ một cách hợp lý theo hướng tăng tàu thuyền công suất lớn và giảm mạnh tàu cá dưới 20 CV, ổn định khai thác vùng ven bờ, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường nguồn lợi biển. Tiếp tục rà soát, bổ sung đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản, đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn, gắn với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, phát triển thủy sản theo Nghị định 67 và 89 của Chính Phủ và các chính sách hỗ trợ khác. Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, trọng tâm là đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng cá Mỹ Tân, Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná thành các Trung tâm thương mại nghề cá, khu tránh trú bão của tỉnh và khu vực miền Trung. Nâng cấp cảng cá Ninh Chữ thành khu cảng tổng hợp có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 DWT, hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ logistics, tạo tiền đề phát triển nhanh ngành công nghiệp ven biển...

Tin rằng, bằng những chính sách khuyến khích phát triển khả thi cộng với quyết tâm bám biển bằng những con tàu lớn vững chãi trước biển khơi... nghề cá của tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạnh, sớm đưa Nghị quyết của Tỉnh ủy thành hiện thực.