VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Cần giải pháp căn cơ trong tiêu thụ nông sản!

(NTO) Có thể nói, nhiều năm qua vấn đề luôn tỏa sức “nóng” trong nông nghiệp đó là tình trạng thiếu ổn định về “đầu ra” cho nông sản và thường lập đi lập lại điệp khúc “được mùa mất giá” và ngược lại, dẫn đến hệ lụy là “đẩy” người sản xuất vào thế “bỏ không nỡ, gỡ không xong”, thậm chí phải lãnh kết cục là thua lỗ, nợ nần. Chỉ tính từ đầu năm đến nay thôi, cả nước đã có ít nhất 3 lần người sản xuất phải kêu gọi “giải cứu” nông sản như dưa hấu, chuối, thanh long, gần đây nhất là “tha thiết” giải cứu đàn heo hàng triệu con tuy đến kỳ xuất chuồng nhưng không những giá bán giảm mạnh mà còn không tiêu thụ được, làm cho không ít người nuôi rơi vào bờ vực của phá sản…Thực trạng đã nêu bức xúc đến độ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề về tình trạng thịt heo hơi rất thấp, kéo dài, gây thiệt hại lớn cho nông dân. “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?” - Thủ tướng nói. Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến nay tuy còn khó khăn nhưng nhìn chung cũng đã được cải thiện cả về giá cũng như tiêu thụ, giúp người nuôi bớt lỗ phần nào, trong đó có người nuôi heo của tỉnh ta!.

Doanh nghiệp Quang Ninh (Nhơn Hải, Ninh Hải) đóng gói tỏi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Sơn Ngọc

Thực tế nêu trên không phải là mới. Có thể nói, những năm qua nền nông nghiệp nước ta sản xuất nhưng không theo nhu cầu thị trường, nghĩa là “tập quán” cung cấp thị trường những sản phẩm mà nhà nông có thay vì phải đáp ứng những gì thị trường cần! Cho nên, nông dân thấy sản phẩm nào có giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng theo lối “ăn xổi”, dẫn đến chuyện “được mùa mất giá”, sản phẩm ứ đọng không tiêu thụ được. Một thực tế khác, đó là hiện chỉ có trên dưới 10% sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thông qua hợp đồng, còn lại đến 90% là tiêu thụ theo “thuận mua vừa bán”, kể cả xuất khẩu. Đó là chưa nói đến thực trạng nông dân thấy “lợi” là phá vỡ hợp đồng đã ký kết để bán “xổi” với giá cao hơn, làm cho doanh nghiệp nản lòng. Tuy nhiên, kết cục nông dân vẫn là người luôn thua thiệt...

Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có một hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, từ việc thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp, từ khâu dự báo thị trường, từ quy hoạch đến sản xuất… Đó mới là những giải pháp mang tính căn cơ để hạn chế tình trạng dư thừa nông sản, nằm ngoài tầm kiểm soát như lâu nay. Thực tế cho thấy, nếu không có giải pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp mới, không giải quyết được bài toán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tùy tiện theo “hiệu ứng” đám đông… thì khó có thể tổ chức tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định, bền vững. Không đâu xa, ngay trong tỉnh cứ đến mùa thu hoạch rộ là nông dân trồng nho, táo xanh lo lắng về giá hơn cả nhìn trời đoán thời tiết nắng, mưa để “điều khiển” cây cho trái theo “ý muốn”! Vậy nhưng, trang trại của lão nông Ba Mọi vẫn hoạt động tốt, giá cả tiêu thụ luôn cao, ổn định và ông đã ký được nhiều hợp đồng dài hạn với các siêu thị trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm nho, táo xanh, gần đây ông còn mở rộng tiêu thụ cả chuối Phước Bình và một số nông sản khác do nông dân trong tỉnh sản xuất, mùa nào thức nấy... Đây có thể xem là bài học điển hình về sản xuất nông nghiệp. Lão nông Ba Mọi không làm theo kiểu “ăn xổi”, ngắn hạn mà hướng đến gắn bó với những khách hàng dài hạn, tiêu thụ sản phẩm bền vững. Điều đó cho thấy, nếu đi theo mô hình chuẩn, tìm đúng thị trường, nhiều nông sản của tỉnh vẫn có cơ hội phát triển và tiêu thụ ổn định.

Vấn đề cũng cần quan tâm là theo Cục Sở hữu trí tuệ, hiện có đến trên 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành Nông nghiệp phải hướng đến. Bên cạnh đó, để chủ động trong tiêu thụ nông sản cần đầu tư phát triển ngành chế biến tương ứng với sản xuất, nhất là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông sản. Đây là một trong những giải pháp chính để hỗ trợ tiêu thụ và giúp sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững hơn...

Như vậy giải pháp đã có, vấn đề còn lại là triển khai thế nào để hiệu quả, để giải pháp có thể nhìn thấy kết quả trên thực tế, để không còn những câu chuyện kêu gọi giải cứu sản phẩm nông nghiệp! .