Trồng rừng tại vành đai lòng hồ thủy lợi - Giải pháp tích nước bền vững

(NTO) Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 hồ thủy lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt, tổng dung tích thiết kế hơn 192 triệu m3, nhưng thực tế ít khi đạt được 100% sức chứa. Do điều kiện thời tiết ở tỉnh ta nắng nóng quanh năm, độ thẩm thấu cao, nên nước ở các hồ bốc hơi nhanh. Hạn hán kéo dài từ năm 2014 đến cuối năm 2016 nhiều hồ bị cạn kiệt khiến sản xuất quanh khu vực bị đình đốn, đòi hỏi sớm có giải pháp tạo nguồn nước dồi dào.

Thời gian qua, ngành chức năng có nhiều nỗ lực áp dụng các mô hình tiết kiệm nước tưới, như thành lập tổ theo nước có sự giám sát của cộng động, áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa, nhỏ giọt rất hiệu quả, góp phần tránh thất thoát nước ở các hồ thủy lợi. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, giải pháp căn cơ để duy trì lượng nước một cách bền vững là phải tăng cường công tác trồng rừng tại các vành đai hồ. Đồng chí Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Rừng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các hồ thủy lợi trong việc điều hòa nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Kết quả khảo sát đánh giá một số diện tích đất trống và diện tích rừng tự nhiên thuộc khu vực vành đai các hồ cần được phục hồi bằng giải pháp trồng mới, khoanh nuôi và bảo vệ để tạo nguồn nước, chống xói mòn, cân bằng sinh thái.

Trồng rừng tại vành đai hồ thủy lợi có tác dụng điều hòa nguồn nước, nâng cao tính đa dạng hệ sinh thái rừng.

Nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của rừng tới “tuổi thọ” ở các hồ thủy lợi, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương triển khai Đề án Phục hồi và trồng rừng mới tại các vành đai lòng hồ thủy lợi giai đoạn 2017 - 2021 là nhiệm vụ trọng tâm trong quý III-2017. Theo đó, đề án thực hiện các hạng mục đầu tư lâm sinh tại các hồ thuộc phạm vi quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (Bà Râu, Ba Tri, Bàu Ngứ, Bàu Zôn, Cho Mo, CK7, La Ranh, Ma Trai, Núi Một, Nước Ngọt, Ông Kinh, Phước Nhơn, Phước Trung, Sông Biêu, Sông Sắt, Sông Trâu, Suối Lớn, Tà Ranh, Tân Giang, Thành Sơn và Trà Co) với tổng diện tích trồng mới 991,4 ha; khoanh nuôi trồng bổ sung 538,24 ha; giao khoán quản bảo vệ rừng 2.906,91 ha, vốn đầu tư 68,7 tỷ đồng. Các hoạt động chính của đề án là trồng rừng phòng hộ bằng cây gáo, thanh thất, muồng, có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Đề án có sự tham gia của người dân nhằm giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần đảm bảo an sinh trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Đặng Kim Cương, cho biết thêm: Đề án có tính khả thi cao do được xây dựng trên cơ sở kết quả khảo sát hiện trường để xác định quỹ đất trồng rừng và hiện trạng rừng, đánh giá nhu cầu thực tiễn của địa phương, đúc rút kinh nghiệm từ các mô hình trồng rừng trước đây để lựa chọn giống cây đem lại hiệu quả cao nhất. Mục tiêu của đề án có lợi cho môi trường sinh thái, phục vụ tốt việc bảo vệ, tạo nguồn nước cho các hồ thủy lợi nên được sự đồng thuận cao của nhân dân là thuận lợi lớn cho việc triển khai thực hiện. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị chủ đầu tư) đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, chủ rừng phối hợp với chính quyền địa phương và các hộ có đủ điều kiện, năng lực để thi công các hạng mục đầu tư đúng theo tiến độ. Lường trước những khó khăn do một số hộ lấn chiếm đất nằm trong phạm vi đầu tư của đề án sẽ cản trở công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ở các vành đai hồ thủy lợi, các địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời, khuyến khích các hộ cùng tham gia trồng rừng, thực hiện chính sách giao rừng khoán quản để tạo thu nhập cho bà con ổn định cuộc sống.