Thế giới trong tuần

1. Trong tuần, sự kiện thế giới đáng chú ý đó là ngày 19/5, Phủ tổng thống Hàn Quốc thông báo Tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ hợp tác với Liên hợp quốc (LHQ) nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Theo người phát ngôn Park Soo-hyun của Phủ tổng thống Hàn Quốc, trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, ông Moon bày tỏ cảm ơn quan chức này đã lên án vụ phóng tên lửa ngày 14/5 của Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ quốc tế... Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh: “Tôi có kế hoạch hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách kiên quyết, thông qua các phương tiện sẵn có, kể cả các biện pháp trừng phạt và đối thoại”. 

Về phần mình, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hòa bình bằng bất kỳ giá nào, đồng thời tuyên bố: “Cần phải ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên cho dù cái giá phải trả có lớn đến đâu đi nữa”. Một “góc nhìn” khác đối với Bán đảo Triều Tiên, đó là Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên. Theo đặc phái viên Hong Seok-hyun (Hông Xốc Hun), người được tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Mun Chê In) cử tới Mỹ cho biết trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Rếch Ti-lơ-xơn) ngày 18/5, nhà ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington mong muốn Bình Nhưỡng tin tưởng vào cam kết không thù địch của Mỹ, không thực hiện thêm vụ thử hạt nhân hay tên lửa nào trước khi Mỹ có thể xem xét tiến hành đối thoại với Triều Tiên...Nhiều nhà phân tích cho rằng những tuyên bố của ông Tillerson là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mỹ có thể đang chuyển sang hướng đối thoại và can dự với Triều Tiên sau thời gian dài hai bên đã có những hành động phô trương sức mạnh và tuyên bố cứng rắn nhằm vào nhau. Trong một diễn biến liên quan, theo hãng tin Sputnik của Nga, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ đang được triển khai ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất hôm 14/5 vừa qua. Trước đó, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công loại tên lửa mới – tên lửa đạn đạo chiến lược đất đối đất tầm trung Hwasong-12 có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tên lửa đã được phóng ở góc cao nhất nhằm đảm bảo an ninh cho các nước láng giềng. Hwasong bay được 787 km và đạt độ cao 2.111,5 km trước khi rơi xuống vùng biển gần Nga.

2. Nga lên án vụ không kích mới nhất của liên quân do Mỹ đứng đầu tại Syria

Ngày 19/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov (Ghen-na-đi Ga-ti-lốp) cho rằng vụ không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria là hoàn toàn không chấp nhận được và vi phạm chủ quyền của quốc gia Trung Đông này. 

Theo các hãng thông tấn Nga, phát biểu tại Geneva (Giơ-ne-vơ), Thụy Sĩ, ông Gatilov nhấn mạnh hành động của liên quân nhằm vào lực lượng thân Chính phủ Syria không giống cuộc chiến chống khủng bố. Ông cũng cho rằng bất kỳ hành động quân sự nào làm gia tăng căng thẳng tình hình tại Syria đều ảnh hưởng đến tiến trình chính trị nhằm giải quyết cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm qua tại quốc gia này. 

Trước đó, một nguồn tin quân sự Syria cho biết vào lúc 16h30 (giờ địa phương) ngày 18/5, liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã tấn công vào một trong những căn cứ quân sự trên đường Al-Tanf (An-Tan), thuộc khu vực Badia (Ba-đi-a) của Syria, gây thiệt hại đáng kể. Phía Syria coi cuộc tấn công này đã đi ngược lại những tuyên bố về nỗ lực chống khủng bố của liên quân nói trên. Trong khi đó, liên quân cho rằng tiến hành vụ tấn công trên sau khi nhận thấy lực lượng thân Chính phủ Syria là “mối đe dọa” đối với Mỹ và các đối tác. 

3. Các nước cam kết mạnh mẽ bảo vệ Trái Đất

Nguy cơ Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã phủ bóng đen lên các cuộc làm việc tại Hội nghị về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ), kéo dài từ ngày 8-18/5 tại thành phố Bonn (Bon, Đức). Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày làm việc, hội nghị đã bế mạc với việc các quan khách tham dự đều thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ đối phó với biến đổi khí hậu. 

Phát biểu trong phiên bế mạc hội nghị, Thủ tướng Fiji, Frank Bainimarama (Phranh Bai-ni-ma-ra-ma), cảnh báo không nơi nào trên thế giới có thể thoát khỏi tác động của biến đổi khí hậu, tất cả các nước đều dễ bị tổn thương và do đó đều cần phải hành động…Cũng tại hội nghị, trưởng phái đoàn đàm phán của Fiji, Nazhat Shameem Khan (Na-giát Sa-mim Khan), kêu gọi các nước trên thế giới tiếp tục hợp tác cùng phát triển. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Đức Jochen Flasbarth (Giô-khen Phlát-xbát) cho biết các nước đã rất nỗ lực hợp tác để thuyết phục Mỹ rằng việc ở lại Hiệp định Paris là một hướng đi đúng đắn. Đức tái khẳng định cam kết của nước này đối với tiến trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu của LHQ…