Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với Thành ủy TPHCM

Ngày 22/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Đoàn khảo sát số 3, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đã làm việc với Thành ủy TPHCM về việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Thay mặt Thành ủy TPHCM, Phó Bí thư Võ Thị Dung đã báo cáo Phó Thủ tướng và Đoàn khảo sát về việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả của Thành ủy đối với các cơ quan HĐND, UBND, các cơ quan tham mưu của Thành ủy...

Thảo luận về những vấn đề như tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc, nhất thể hóa một số chức danh quản lý, sáp nhập một số hội đoàn…, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM và một số Sở, ngành đã nêu nhiều ý kiến, ví dụ cụ thể về thực tiễn của Thành phố nhằm tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đặc biệt là phù hợp với một thành phố đông dân, trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Sau khi nghe báo cáo và thảo luận, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả mà TPHCM đã đạt được trong xây dựng và tổ chức bộ máy. Đặc biệt trong thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Thành phố sẽ giảm 10% biên chế theo lộ trình đến năm 2021.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa ở các đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố thời gian qua.

Với những ý kiến cho rằng TPHCM với 24 quận huyện và hơn 10 triệu dân, hoạt động kinh tế chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ thì tổ chức bộ máy cần phải có đặc thù, Phó Thủ tướng đề nghị Thành ủy TPHCM tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, lý giải thuyết phục trên quan điểm làm sao để phát huy tối đa khả năng huy động các nguồn lực cho sự phát triển, không chỉ cho Thành phố mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Phó Thủ tướng cho biết những kinh nghiệm, vấn đề của TPHCM cùng với thực tiễn tại các địa phương khác sẽ được Ban Chỉ đạo Trung ương 6 đánh giá đầy đủ khách quan để trình Trung ương xem xét, đáp ứng mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Lễ hội 110 năm du lịch Sầm Sơn

Tối 22/4 tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Lễ hội 110 năm du lịch Sầm Sơn với chủ đề “Sầm Sơn bốn mùa biển hát” do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Sầm Sơn là một địa danh nghỉ dưỡng nổi tiếng được biết đến từ những năm đầu thế kỷ 20. Sau hơn một thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Sầm Sơn hôm nay đã có nhiều đổi thay và phát triển mạnh mẽ.

Phát biểu tại Lễ hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá hạ tầng đô thị, du lịch tại Sầm Sơn được đầu tư đồng bộ, hiện đại; diện mạo đô thị, cảnh quan không gian ven biển được chỉnh trang; nhiều tổ hợp khách sạn, nhà nghỉ, khu dịch vụ thể thao, vui chơi, giải trí cao cấp được đầu tư xây dựng, từng bước khắc phục tính mùa vụ, tạo sức hấp dẫn mới cho du lịch Sầm Sơn; chất lượng dịch vụ du lịch, văn hóa giao tiếp, ứng xử với du khách được cải thiện.

Đặc biệt, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây ra Nghị quyết về thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa là một dấu mốc rất quan trọng, vừa là sự khẳng định, công nhận của Đảng, Nhà nước ta, vừa tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu phát triển đồng bộ, mạnh mẽ hơn của thành phố, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phải tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, phải thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính xã hội hóa cao, có khả năng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, có tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển.

Trong thời gian tới, tỉnh cần chú trọng tạo ra các sản phẩm du lịch đẳng cấp, độc đáo và khác biệt để xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch xứ Thanh; tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch; thường xuyên quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh để tăng sức hấp dẫn với du khách; phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành trọng điểm du lịch của quốc gia, góp phần cùng cả nước đưa du lịch Việt Nam cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị.

Văn phòng Chính phủ