Đã có nhiều mảng màu sáng trong "bức tranh" kinh tế - xã hội miền núi

(NTO) Toàn tỉnh có 37 xã khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, trong đó có 15 xã khu vực III, 7 xã khu vực II và 15 xã khu vực I; có 2 xã bãi ngang ven biển. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 124 thôn, với 34.616 hộ/161.010 khẩu, chiếm 23,74% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu vẫn là đồng bào dân tộc Chăm có 17.230 hộ/82.497 khẩu; dân tộc Raglai 15.470 hộ/70.453 khẩu…

Những kết quả đáng ghi nhận

Qua 42 năm giải phóng nói chung, nhất là sau 25 năm tỉnh nhà được tái lập, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đã tập trung đầu tư tại vùng đồng bào dân tộc và miền núi trong tỉnh như: Chính sách trợ giá, trợ cước một số mặt hàng thiết yếu; chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc ở khu vực khó khăn; chương trình 135; chính sách di dân thực hiện định canh, định cư; chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững 62 huyện nghèo; chương trình nông thôn mới… Với sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp thực hiện đồng bộ của các ngành, địa phương và sự nỗ lực vươn lên của người dân đã tạo nên bộ mặt mới về kinh tế- xã hội ở hầu hết các xã vùng đồng bào DTTS.

 
Nông dân Bác Ái chăm sóc cây mỳ.

Đáng ghi nhận là về xây dựng kết cấu hạ tầng, đến nay cơ bản các thôn, xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đều có đường giao thông nông thôn đi lại thuận tiện; giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê-tông cứng hóa và thông suốt. 100% số thôn, xã vùng đồng bào DTTS được phủ kín điện lưới quốc gia, trên 90% số hộ sử dụng điện thắp sáng; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt đạt trên 85%; cơ sở trường học, trạm xá được đầu tư nâng cấp, xây mới đáp ứng nhu cầu học tập và khám, chữa bệnh của người dân. Hệ thống thủy lợi tưới tiêu và các hồ chứa nước được quan tâm đầu tư và đưa vào sử dụng làm tăng thêm năng lực tưới chủ động nước diện tích đất sản xuất, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng; công tác khuyến nông, khuyến lâm được đẩy mạnh, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất qua đó góp phần nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm nông nghiệp, người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn và đời sống ngày càng nâng cao rõ nét. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào DTTS đạt bình quân 10%/năm… Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay có 9 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới... Có thể nói, thông qua thực hiện các chính sách, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của người dân, hộ nghèo vùng DTTS giảm bình quân 3-4%/năm (riêng huyện miền núi Bác Ái giảm 7-8%/năm).

Kinh tế phát triển đã tác động mạnh đến đời sống văn hóa đồng bào DTTS nhiều địa phương. Giáo dục phát triển đáng kể, đến nay 100% xã đều có trường mầm non, tiểu học, THCS và 100% huyện miền núi có trường THPT; đặc biệt mạng lưới trường dân tộc nội trú và PTDT bán trú được quan tâm đầu tư nâng cấp dành riêng cho con em đồng bào DTTS; có 14 trường tiểu học vùng DTTS được công nhận “trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1”. Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư, đến nay có 28/37 Trạm Y tế xã vùng DTTS có bác sỹ làm việc, đạt 75,7%; 21/37 xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, đạt 56,8%; 100% số xã có nhân viên hộ sinh và cán bộ dược; 100% số thôn có nhân viên y tế thôn hoạt động; có 68/74 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS được bố trí cô đỡ thôn bản; tất cả Trạm Y tế đều triển khai khám chữa bệnh tại Trạm Y tế... Chính sách Bảo hiểm y tế cho người nghèo và đồng bào ở các xã khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, đã góp phần đẩy lùi các tệ nạn mê tín dị đoan đang tồn tại trong đồng bào DTTS…

 
Cán bộ  y tế xã Ma Nới (Ninh Sơn) tiêm chủng cho trẻ em.

Khắc phục khó khăn để phát triển

Bên cạnh những kết quả đạt được rất “ấn tượng” như đã nêu trên, việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, đơn cử như: Tuy kinh tế đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn chậm, khoảng cách chênh lệch còn lớn so với vùng đồng bằng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế khu vực và đầu tư của Nhà nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao, tập quán canh tác một số vùng miền núi còn lạc hậu, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội còn bất cập, chưa đồng bộ; đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao (hộ nghèo chiếm 32,17% và hộ cận nghèo chiếm 15,51%). Nguồn lực đầu tư phát triển trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số miền núi còn thấp và chủ yếu dựa vào ngân sách, nên chưa đáp ứng nhu cầu về kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất, giao thông và sinh hoạt của người dân, chưa có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Trình độ dân trí của người dân vẫn ở mức thấp, chất lượng giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, vui chơi giải trí chưa được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ…

 
Giờ tập thể dục của các em Trường Tiểu học Nhị Hà (Thuận Nam). Ảnh: V.M

Để tiếp tục tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần đặt ra đó là, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; bảo đảm cho đồng bào DTTS được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành, gắn với triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3- 4%. Theo đó, triển khai thực hiện tốt chương trình theo Nghị quyết 30a; chương trình MTQG giảm nghèo; chương trình 135…, đặc biệt triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 3-10-2016 của UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển kinh tế-xã hội miền núi giai đoạn 2016-2020; các kế hoạch đã ban hành của UBND tỉnh về thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2016 – 2020. Tập trung đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống, gắn với giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện lợi thế từng địa bàn vùng dân tộc và miền núi; mở rộng quy mô sản xuất một số cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường... Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc và miền núi; đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc.

Bằng quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của đồng bào DTTS trong khắc phục các khó khăn, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống... tin rằng “bức tranh” kinh tế - xã hội các xã miền núi trong tỉnh sẽ ngày càng có nhiều điểm sáng.