CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Quản thức ăn đường phố…dễ mà khó!

(NTO) Hầu như những bạn bè tôi đều có thói quen vốn dĩ đã “thâm căn cố đế” đó là …ngại vào những “chỗ” sang trọng khi có nhu cầu ăn điểm tâm hay ăn tối mà thích lân la các hàng quán bán dọc vỉa hè, vừa thoáng mát lại vừa ngon miệng và hơn thế nữa là thưởng thức được nhiều cách nấu của một món ăn…Trong khi vào các nhà hàng chưa chắc đã được ăn vừa miệng!. Một số người bạn của tôi có lập luận như vậy.

Quả thật, thức ăn đường phố vốn có tính hấp dẫn riêng, thậm chí còn mang cả bản sắc của từng vùng miền trong cả nước, nhất là đối với du khách. Một trong những câu hỏi đối với người chuẩn bị đi du lịch là địa phương đó có những món ăn nào ngon…và dường như đã trở thành điểm chung của các tỉnh là…món ngon chỉ có ở quán hàng đường phố mà thôi. Nói như vậy để thấy rằng có “cung” ắt phải có “cầu”, nghĩa là một khi nhu cầu đời sống người dân tăng lên sẽ tương ứng với cấp số cộng hàng quán hè phố mở ra!. Chỉ tính trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, các điểm bán thức ăn đường phố lớn nhỏ cũng đến con số ngàn. Sang cũng có, bình dân cũng có, thậm chí dưới… mức bình dân cũng có và sẵn sàng phục vụ nhu cầu “ẩm thực” của mọi đối tượng. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh an toàn thực phẩm (ATTP) thì khiêm tốn mà nói hiện có không dưới 80% điểm bán hàng ăn uống chưa đáp ứng được các điều kiện về kinh doanh thức ăn đường phố theo quy định của Bộ Y tế. Đa số hàng quán đều có phần nhếch nhác, nguồn nguyên liệu đầu vào không rõ nguồn gốc và được mua bán tại các vỉa hè, hẻm phố, chợ tạm, thậm chí gần với cống rãnh, hố ga, bệnh viện... Việc bảo quản, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn chưa bảo đảm, chứa đựng nguy cơ mất ATTP cao.

Hàng quán bán thức ăn khu vực chợ Phan Rang. Ảnh: Sơn Ngọc

Đã không ít lần chúng tôi “mục sở thị” tại nhiều hàng quán ăn đường phố, rõ nhất là các dụng cụ chứa thức ăn đa phần không đạt tiêu chuẩn, thức ăn không được che đậy, hay che đậy sơ sài; quá trình chế biến, người bán hàng đều dùng bàn tay trần vừa bốc thức ăn, vừa thu tiền của khách...Trong khi theo Luật An toàn thực phẩm và Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế đã có những quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó, nơi bày bán thức ăn đường phố phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập; Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định...Riêng đối với tỉnh ta, ngày 4-4 vừa qua Sở y tế đã có Hướng dẫn số 1007/HD-SYT “Tiêu chí đánh giá điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố” trên địa bàn tỉnh với 10 tiêu chí cụ thể như: Địa điểm kinh doanh phải cách biệt các nguồn ô nhiễm; nơi bày bán thực phẩm bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh; có đủ nước sạch để rửa nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay và chế biến thức ăn, đồ uống; Có đủ dụng cụ chứa đựng nước thải, có nắp đậy và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh; Người kinh doanh thức ăn đường phố được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận kiến thức ATTP theo quy định; Người trực tiếp chế biến, phục vụ thức ăn đường phố phải được khám sức khỏe và có Giấy xác nhận đủ sức khỏe…Có thể nói, quy định rất cụ thể, rõ ràng, dể hiểu nhưng lại khó… thực hiện. Ngay những người bán hàng ăn hè phố chúng tôi có dịp tiếp xúc cho biết vẫn chưa tiếp cận Hướng dẫn này. Có người còn cho rằng trong muôn vàng kiểu bán với quy mô khác nhau thì nếu “áp” đúng 10 tiêu chí như Hướng dẫn của Sở Y tế thì xem ra chỉ có nước dẹp tiệm!.

Thiết nghĩ, để bảo đảm vệ sinh ATTP đối với thức ăn đường phố, bảo đảm cho sức khoẻ cộng đồng, việc quan trọng hơn cả là bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, ý thức tự giác, trách nhiệm đối với cộng đồng của mỗi người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cần được nâng cao. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng cần “có thái độ”, nói không đối với những quán ăn đường phố không đảm bảo điều kiện... để bảo vệ sức khỏe trước hết là chính mình. Ngành chức năng, địa phương cần tăng cường kiểm tra để chấn chỉnh, đồng thời quy hoạch điểm bán cụ thể để vừa bảo đảm vệ sinh vừa tạo nên mỹ quan cho đô thị.