VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Lo cho nông dân cần gắn kết “5 nhà”!

(NTO) Có thể nói, trước biến đổi khí hậu ngày càng trở nên gay gắt đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Không chỉ thường xuyên tái diễn tình trạng “được mùa mất giá” mà còn gây thua thiệt lớn cho nông dân bởi thời tiết “trái vụ”. Không đâu xa, những ngày đầu tháng tư trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số cơn mưa, tuy có làm dịu không khí nóng bức của những ngày đầu hè nhưng khổ nỗi đây lại là thời điểm nho, lúa chín rộ đang trong kỳ thu hoạch. Vậy là nho bị nứt trái, lúa ngã đổ, giảm năng suất, riêng cây nho nhiều nơi phải tỉa bỏ mất một phần ba sản lượng… Mặc dù giá có cao do hút hàng nhưng cũng không bù được thiệt hại. Thực ra đây chỉ là điển hình một số cây trồng, thực tế còn nhiều cây trồng khác cũng chịu thiệt hại do tính “đỏng đảnh” của thời tiết.

Nông dân xã Nhị Hà hợp đồng trồng, cung ứng mía nguyên liệu cho Công ty Cổ phần đường Biên Hòa- Phan Rang.
Ảnh: Sơn Ngọc

Vấn đề nêu trên tuy không phải là mới nhưng vẫn đang là thời sự, bởi lẽ nhiều nông hộ hiện nay vẫn sản xuất theo lối tự phát. Thấy cây, con gì bán có giá là đua theo trồng, nuôi, đến khi thị trường “trở quẻ” thì công sức cả vụ coi như tiêu tan. Thời gian qua đã có một số doanh nghiệp (DN) đầu tư thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, cung ứng giống với nông dân trong tỉnh gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Đáng nói là sản phẩm do nông dân làm ra bán cho DN theo giá thực của thị trường, không qua khâu trung gian, không bị thương lái chèn ép và làm giá như trước đây. Tuy nhiên, điều khá nghịch lý là thay vì DN làm khó cho nông dân như thường xảy ra trên thị trường nhất là khi giá cả xuống thấp, đàng này ngược lại. Theo phản ảnh của một số DN, do lợi nhuận trước mắt, nông dân đơn phương phá vỡ hợp đồng gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Nhiều nông dân thiếu vốn đầu tư sản xuất, thường mượn tiền của thương lái dẫn đến mùa thu hoạch phải trả cho thương lái bằng sản phẩn làm ra, nên có muốn bán cho DN cũng không được!. Một nguyên nhân khác dẫn đến bất lợi cho người sản xuất là do tập quán sản xuất theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa nắm rõ thị trường, sản xuất trước, bán sản phẩm sau, sản lượng trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao; cung vượt cầu một số chủng loại hàng hóa... Không những vậy, việc liên kết “4 nhà” chưa được chặt chẽ, nông dân chưa quen sản xuất theo quy trình DN hướng dẫn… cũng làm nản lòng DN. Đây cũng là yếu tố dẫn đến DN ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì rủi ro cao...

Để khắc phục tình trạng trên, cần tổ chức lại mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao để giảm giá thành, bảo đảm an toàn sản phẩm. Muốn vậy, phải có biện pháp ràng buộc cụ thể quyền lợi của đôi bên trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để DN và nông dân có tiếng nói chung và cùng thực hiện đúng quy định trong hợp đồng. Các sở, ngành liên quan cần tạo điều kiện để nông dân nắm bắt đầy đủ thông tin về thị trường, có định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn sản phẩm để sản xuất, lựa chọn DN có năng lực để hợp tác. Ngoài ra, theo đề nghị của DN đó là tỉnh cần có chính sách hỗ trợ DN và tạo điều kiện để DN tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện việc phát triển kinh doanh nông sản tại tỉnh nhà…

Để làm được điều này phải có vai trò của Nhà nước, sự kết nối giữa các doanh nghiệp mạnh và các nông hộ; hỗ trợ và định hướng nông dân thay đổi cách thức sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững... Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, để thành công trong nông nghiệp, cần sự hiện diện, liên kết của 5 nhà: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng. Vai trò của 5 nhà đều quan trọng như nhau nhưng nhà DN đi đầu trong việc đưa nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập kinh tế thị trường thế giới và Việt Nam, khi ấy người nông dân mới có thể đổi đời trên chính mảnh đất của mình.