Ngành Thuế: Nỗ lực cho sự phát triển của tỉnh

Đồng chí Đoàn Hạnh Phúc
Cục phó Cục Thuế tỉnh

(NTO) Cách đây 25 năm, ngành Thuế được thành lập và đi vào hoạt động sau khi tỉnh Ninh Thuận được tái lập. Thời gian đầu mới thành lập, với cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn thiếu, xuất phát điểm kinh tế của tỉnh thấp, số lượng doanh nghiệp (DN) không nhiều, đời sống đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Song với quyết tâm xây dựng ngành Thuế ngày càng phát triển, trong 25 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công chức (CBCC) ngành Thuế tỉnh Ninh Thuận không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, từng bước trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý thuế, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ thu ngân sách, góp phần tích cực xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

Nếu thời điểm tái lập tỉnh năm 1992, thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt 29,3 tỷ đồng thì đến năm 2016 đã vượt trên 2.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng bình quân 18,8%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015 trước 1 năm; trong đó thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ chỗ chỉ chiếm 37%, đến nay đã tăng lên 57% trong tổng thu ngân sách, đặc biệt là sự đóng góp tích cực của Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận (đầu tư và đi vào hoạt động cuối năm 2013, nộp ngân sách 500 tỷ đồng/năm; sau khi đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và đi vào hoạt động cuối năm 2016, kể từ năm 2017 dự kiến nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng/năm).

 
Cán bộ Đội thuế số 5 Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hướng dẫn hồ sơ khai nộp thuế cho tiểu thương chợ Phan Rang.Ảnh: Văn Miên

Đạt được kết quả khả quan trên có 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu như sau:

Một là, có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự chủ động, kịp thời của các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn của tỉnh; đặc biệt là chủ trương tập trung thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách làm động lực cho phát triển; xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm (trong suốt 6 kỳ Đại hội), trở thành ngành mũi nhọn (Đại hội X), động lực bức phá (Đại hội XII) và ưu tiên phát triển (Đại hội XIII) nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư; thành lập Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) để tư vấn, hỗ trợ cho nhà đầu tư đã tạo nên làn sóng đầu tư mới, thu hút một số dự án có quy mô lớn triển khai thực hiện trên địa bàn như: Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận, Dệt may Quảng Phú, sản xuất xi măng Luks, sản xuất nước yến, tôm đông lạnh xuất khẩu, thủy điện... thúc đẩy kinh tế của tỉnh thay đổi mạnh mẽ, tăng trưởng hàng năm khá cao, đặc biệt có năm đạt trên 14,2%.

Hai là, sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng các DN, người dân trên địa bàn tỉnh là nhân tố quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ngay từ khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, Chương trình hành động, Kế hoạch phát triển DN với nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ DN, người dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt chủ trương thành lập “Tổ tiếp nhận và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN, người dân” tại các sở, ngành, địa phương nhằm giúp DN vượt qua khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu giai đoạn 2009-2013. Sau 25 năm tái lập tỉnh, số DN trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Nếu năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 3 DN với số vốn đăng ký hơn 9 tỷ đồng, đến nay đã có 2.357 DN, với số vốn đăng ký trên 14.000 tỷ đồng (tăng 1.555 lần về vốn đăng ký), đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách của tỉnh.

 
Cán bộ Chi cục Thuế Tp. Phan Rang-Tháp Chàm hướng dẫn người dân nộp thuế.

Ba là, ngành Thuế chủ động tự đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong triển khai thực hiện công tác quản lý thuế trên địa bàn, cụ thể:

- Đổi mới cơ chế quản lý thuế theo hướng hiện đại, chuyển từ cơ chế chuyên quản (mỗi người nộp thuế phải được phân công cho cán bộ quản lý) sang quản lý theo chức năng, theo nguyên tắc rủi ro; theo đó, công tác quản lý thuế đặc trọng tâm vào 4 chức năng chính là: Tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người nộp thuế; quản lý kê khai thuế; quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; trong đó thanh tra, kiểm tra chỉ thực hiện đối với những người nộp thuế có rủi ro cao về trốn thuế, gian lận thuế nhằm giảm tối đa chi phí hành thu.

- Rút ngắn thời gian đăng ký thuế của DN thông qua giải pháp thực hiện thủ tục đăng ký thuế đồng thời với thủ tục đăng ký kinh doanh của DN tại EDO theo cơ chế “một cửa liên thông” bằng phương thức điện tử, theo đó thời gian giải quyết đăng ký thuế chỉ còn 1 ngày (nhiều trường hợp chỉ trong thời gian 30 phút), rút ngắn 2 ngày so với quy định của Chính phủ, góp phần rút ngắn thời gian đăng ký DN. Theo kết quả PCI các năm qua, Ninh Thuận là một trong những địa phương có thời gian đăng ký DN thấp nhất cả nước, là lĩnh vực có những cải cách tích cực, được cộng đồng DN đánh giá cao bởi thời gian đăng ký thuế cũng như đăng ký DN ngắn, tiết kiệm chi phí giao dịch, tạo điều kiện để DN sớm tham gia thị trường.

- Đổi mới cơ chế quản lý hóa đơn, chứng từ thuế theo hướng giao cho DN tự in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn bán hàng thay cho việc hàng tháng phải đến cơ quan thuế để mua hóa đơn với số lượng giới hạn, mất nhiều thời gian, phát sinh nhiều chi phí cho cả DN và cơ quan thuế.

- Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục về thuế, đặc biệt trong những năm qua thực hiện chính sách giảm tần suất kê khai (1 lần/quý thay cho hàng tháng đối với thuế GTGT cho DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng/năm, 1 lần/năm thay vì 5 lần/năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp...), cho phép không gửi các Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra kèm theo Tờ khai thuế GTGT; triển khai áp dụng các hình thức khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử cho các DN; phối hợp với các ngân hàng thương mại mở rộng mạng lưới các điểm thu nộp thuế ngoài hệ thống Kho bạc Nhà nước để hộ gia đình, cá nhân có thể lựa chọn địa điểm nộp tiền thuế thuận lợi nhất... đã giúp DN, người dân giảm thời gian kê khai, nộp thuế, tiết kiệm chi phí, lưu trữ hồ sơ thuế.

Thay vì hằng tháng, hằng quý, DN, người dân phải đến trực tiếp cơ quan thuế để gửi hồ sơ khai thuế, đến Kho bạc nhà nước để nộp thuế, kết quả đến nay toàn tỉnh có 100% DN khai thuế điện tử, 98,3% DN nộp thuế điện tử, vượt chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ (khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt tối thiểu từ 95%), là một trong ba đơn vị dẫn đầu cả nước, cũng như của địa phương về triển khai nộp thuế điện tử cho DN, thực hiện cải cách hành chính; thời gian kê khai, nộp thuế của DN năm 2014 từ 537 giờ/năm giảm xuống còn 110 giờ/năm cuối năm 2016.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, hỗ trợ chính sách, pháp luật thuế cho người nộp thuế dưới nhiều hình thức khác nhau (hộp thư điện tử, website, báo giấy truyền thống...) thông qua Quy chế phối hợp giữa ngành Thuế với Báo Ninh Thuận, Đài PT&TH tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong việc thực hiện các chuyên trang, chuyên mục về thuế; bố trí những CBCC nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ tại Bộ phận “một cửa”, kể cả Bộ phận “một cửa” của EDO để tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện chính sách thuế; thường xuyên phối hợp với các Hiệp hội DN tỉnh, Đảng ủy khối DN tỉnh tổ chức các Hội nghị đối thoại; triển khai triệt để các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ... nhằm giúp các cá nhân, DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, nâng cao trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành tốt nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng giải quyết công việc cho CBCC theo yêu cầu đổi mới thông qua việc thường xuyên cử CBCC tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tổ chức; phối hợp với trường đại học, Trường Chính trị tỉnh tổ chức các lớp đào tạo chuyên ngành Luật và lý luận chính trị trung cấp, cao cấp cho CBCC.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra để phân tích, xác định DN, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, qua đó xác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm chống thất thu ngân sách, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi gian lận, trốn thuế thay vì phải tập trung vào nhiều đối tượng quản lý, các DN đã chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế; góp phần tiết kiệm nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo sự bình đẳng giữa các DN trên địa bàn.

Qua kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người nộp thuế đối với những cải cách hành chính thuế trên phạm vi cả nước (do VCCI thực hiện năm 2015), ngành Thuế tỉnh Ninh Thuận được xếp thứ hạng 10/63 tỉnh, thành phố; trong đó một số nội dung được người nộp thuế đánh giá khá cao như: Mức độ trang bị thiết bị máy tính hỗ trợ người nộp thuế tìm hiểu thủ tục hành chính thuế (vị trí 2/63), sự tiện lợi và phong phú của thông tin pháp luật thuế trên website của Cục Thuế (vị trí 4/63), tỷ lệ DN trên địa bàn ít gặp phiền hà khi thực hiện thủ tục hành chính thuế (vị trí 1/63), cán bộ thuế tuân thủ đúng quy trình trong giải quyết công việc (vị trí 3/63), cán bộ thuế không hách dịch, nhũng nhiễu gây khó khăn, phiền hà cho DN (vị trí 3/63); đồng thời trong nhiều năm qua được UBND tỉnh đánh giá là một trong ba đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong thực hiện cải cách hành chính.

Ghi nhận thành tích và những đóng góp trong những năm qua, ngành Thuế đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều hình thức khen thưởng khác.

Phát huy truyền thống đoàn kết, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, rất mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo; các sở, ngành, địa phương thường xuyên phối hợp; DN, người dân trong tỉnh tiếp tục đồng hành cùng với ngành Thuế nhằm sớm hoàn thành được mục tiêu thu ngân sách từ 2.800-3.000 tỷ đồng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.