NINH THUẬN - 25 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN:

Đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc gia

(NTO) Qua 25 năm tái lập tỉnh, du lịch (DL) Ninh Thuận luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Vị thế DL Ninh Thuận bước đầu đã được đánh giá đúng mức trong sự phát triển chung của kinh tế-xã hội (KT-XH) tỉnh nhà.

Ấn tượng từ những con số

Sau ngày tái lập tỉnh, qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, tỉnh ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm phát triển DL bền vững, từng bước đưa DL sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển. Đặc biệt, năm 2010, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh, trong đó xác định DL là 1 trong 6 ngành kinh tế trụ cột (đứng thứ 2 sau ngành năng lượng sạch); Nghị quyết số 07/2012-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển DL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, ngành DL đã có bước phát triển nhảy vọt.

Đường ven biển (đoạn Bình Tiên - Vĩnh Hy). 

Từ nguồn lực Trung ương và địa phương, đến nay, kết cấu hạ tầng phục vụ DL đã khá đồng bộ và hiện đại. Có 47 dự án đầu tư vào lĩnh vực DL với tổng vốn đăng ký 11.689,6 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Toàn tỉnh hiện có 108 cơ sở lưu trú, với tổng số 2.300 phòng, 32% số phòng đạt chuẩn 3 sao trở lên. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ DL được nâng lên; sản phẩm DL ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Cùng với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng Internet, mạng xã hội; tổ chức khảo sát các khu, điểm trong và ngoài tỉnh; đón các đoàn Famtrip, Presstrip về khảo sát DL Ninh Thuận; cộng với sự nỗ lực từ các doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài lĩnh vực DL phát triển các loại hình sản phẩm dịch vụ phục vụ DL như dịch vụ mua sắm quà lưu niệm, dịch vụ vận chuyển, DL trang trại, DL nghiên cứu-khám phá-mạo hiểm, trạm dừng chân… đã thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

Hình ảnh DL Ninh Thuận ngày càng xuất hiện đậm nét trên bản đồ DL, chỉ cần gõ vào Google về các địa danh, điểm đến DL Ninh Thuận sẽ xuất hiện với các dãy số tìm kiếm kết quả ấn tượng. Trên “bản đồ” DL thế giới, “bản đồ” DL trong nước, các địa danh DL Ninh Thuận xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều địa danh, điểm đến DL Ninh Thuận đã lọt vào top “bản đồ” DL thế giới, “bản đồ” DL Việt Nam. Cá biệt, Tạp chí Forbes Life (Mỹ) đã chọn Khu Nghỉ dưỡng Amanơi tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) là một trong Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; hay cung đường ven biển Bình Tiên-Vĩnh Hy, Hang Rái, Trang trại nho Ba Mọi, Sa mạc cát Sơn Hải… được bình chọn trở thành các điểm “phượt” ấn tượng nhất của du khách trong năm 2016 trên bản đồ DL Việt Nam.

Một góc Khu nghỉ dưỡng Amanơi (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải).

Trong giai đoạn 2005-2016, lượt du khách tăng trưởng bình quân 19%/năm, thu nhập từ hoạt động DL tăng trưởng bình quân 16,27%/năm. Riêng năm 2016, toàn tỉnh đón hơn 1,7 triệu lượt khách, thu nhập xã hội từ DL trên 750 tỷ đồng, DL Ninh Thuận trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất của cả nước.

Hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn

Với mục tiêu tăng dần tỷ trọng ngành DL trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh, trở thành ngành kinh tế động lực trong phát triển KT-XH của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020, ngành DL chiếm 12% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Mức tăng trưởng GRDP bình quân đạt 28%/năm. Đến năm 2020 đón khoảng 2,5-3 triệu lượt khách. Giải quyết 13% lao động toàn tỉnh trong lĩnh vực DL vào năm 2020, phát triển có trọng điểm các dự án DL đẳng cấp cao và tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tạo ra đặc sắc riêng của Ninh Thuận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.

Đồng chí Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở VH,TT&DL, cho biết: Để đạt mục tiêu trên, tỉnh ta đang tăng cường xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi nhằm thu hút sự tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh DL của mọi thành phần kinh tế. Khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, có thương hiệu đầu tư vào tỉnh, nhất là các dự án nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh riêng có của tỉnh để tạo ra các sản phẩm DL độc đáo, tạo sự khác biệt hấp dẫn du khách. Tập trung phát triển các loại hình DL di sản văn hóa với nét đặc sắc của văn hóa Chăm và các làng nghề truyền thống; khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, đặc thù về nắng và gió để phát triển DL thể thao với các dịch vụ trên không và dưới biển như lướt ván diều, bơi lội ngắm rạn san hô, đua mô tô trên cát; hình thành các khu DL cao cấp tầm cỡ quốc gia và quốc tế… Với lợi thế có bãi biển đẹp, còn nguyên sơ, có các sản phẩm đặc thù phù hợp cho chăm sóc sức khỏe, spa; gắn với các câu lạc bộ Golf, du thuyền...; khuyến khích phát triển các dịch vụ DL (ăn uống, mua sắm, khu vui chơi giải trí…) khu vực ven biển và tại các khu DL trọng điểm để thu hút khách kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách.

Suối nước ngọt, thôn Bình Tiên (xã Công Hải, Thuận Bắc) là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: V.M

Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật DL như hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt kết hợp đường hàng không-sân bay Cam Ranh. Ngoài ra, tỉnh còn đề nghị Chính phủ cho phép Ninh Thuận bổ sung các khu DL trọng điểm như: Vĩnh Hy-Bình Tiên, Mũi Dinh-Cà Ná… vào quy hoạch các khu DL quốc gia để tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư hình thành các sản phẩm DL mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển DL của tỉnh. Tiếp tục mở rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng đã ký kết như: Hợp tác 9 tỉnh Duyên hải miền Trung; 6 tỉnh Nam Trung Bộ-Tây Nguyên để đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tổ chức các tour DL mang thương hiệu vùng, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh riêng của tỉnh để tạo ra các sản phẩm DL độc đáo, tạo sự khác biệt hấp dẫn nhà đầu tư và du khách.

TÂM HUYẾT VÌ SỰ PHÁT TRIỂN QUÊ HƯƠNG

Đồng chí Nguyễn Văn Thuận
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến tỉnh

Sau 25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển, diện mạo của tỉnh có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng của thành phố, các huyện, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên.

Ở góc độ là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh, trong thời gian tới, tôi mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành, các đoàn thể, địa phương tạo mọi điều kiện về vay vốn, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật cho các hội viên CCB, Cựu quân nhân (CQN) gặp khó khăn có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, qua đó góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho địa phương. Hội CCB tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động CCB, CQN thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tích cực động viên CCB, CQN nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, giảm nghèo nhanh và bền vững, quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CCB, CQN, từ đó góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp n

Ông Tà Yên Thành
(thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại, Bác Ái)

Người dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi trước sự đổi mới, phát triển của quê hương sau 25 năm tái lập tỉnh. Riêng huyện Bác Ái, với đặc thù có trên 95% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, những năm qua, người dân địa phương luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đến nay, bà con đã tiếp cận được phương pháp sản xuất mới, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế... Chúng tôi mong muốn, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến đời sống của người dân; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vốn sản xuất, các chế độ chính sách cho con em đồng bào dân tộc thiểu số…, góp phần đưa huyện miền núi sớm giảm nghèo nhanh và bền vững.