VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Đã “phát” phải gắn với “động”!

(NTO) UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 05/ CT- UBND “Về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, chào mừng kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2017).

Nhìn lại năm 2016, qua 15 phong trào thi đua chuyên đề giai đoạn 2016-2020 UBND đã phát động, các cấp, các cơ quan đơn vị đã cụ thể hóa và tổ chức, triển khai sâu rộng, có chủ đề, mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng trên các lĩnh vực. Các phong trào thi đua từng bước được cải tiến về nội dung, hình thức, đã lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia tích cực góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh. Nhiều phong trào thi đua ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như các phong trào “Cải cách hành chính”; “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân chung sức xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xóa đói giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm”; thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Nhiều sở, ngành, địa phương đã chủ động tích cực triển khai các phong trào chung và phát động phong trào riêng, phù hợp với đặc điểm, tình hình của ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến được thực hiện trên tất cả mọi lĩnh vực, trong đó nổi bật là công tác xây dựng điển hình trong công nhân, người lao động và nông dân. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tiến hành sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời tôn vinh, phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến bằng nhiều hình thức, bảo đảm tính trang trọng, được dư luận xã hội đồng thuận. Những điển hình tiên tiến có tác dụng nêu gương và khích lệ trong các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua vượt khó, làm giàu cho cá nhân và góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh...

Một góc nông thôn mới xã Phước Thái, huyện Ninh Phước. Ảnh: Sơn Ngọc

Bên cạnh kết quả những kết quả rất đáng ghi nhận như đã nêu trên, phong trào thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như một số đơn vị, địa phương tổ chức phát động, triển khai các phong trào thi đua còn mang tính hình thức, hiệu quả không cao; hay nói khác hơn có “phát” nhưng chưa “động”, hoặc chưa “động” nhiều, hình thức còn nặng hơn nội dung!...Mặt khác, các phong trào thi đua, khen thưởng trong doanh nghiệp phát động không thường xuyên, liên tục, còn nặng về hình thức, chưa mang tính thi đua là đòn bẩy để thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Công tác sơ, tổng kết chưa được quan tâm đúng mức; việc nhân điển hình tiên tiến thông qua các phong trào thi đua thực hiện chưa tốt dẫn đến khen thưởng không kịp thời, qua đó chưa thật sự khích lệ, động viên phong trào. Một số phong trào thi đua phát động nhưng tiêu chí còn chung chung dẫn đến việc xét khen thưởng còn cảm tính, không mang tính tiêu biểu…

Để phong trào thi đua tiếp tục phát triển sâu rộng trên địa bàn tỉnh năm 2017 theo tinh thần Chỉ thị 05 của UBND tỉnh, yêu cầu đặt ra là cần nhận rõ và quyết tâm khắc phục những hạn chế như đã nêu, đồng thời cần đa dạng hình thức thi đua, khen thưởng, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Nội dung thi đua cần bám sát, gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; gắn với kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ được giao. Khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động đến đời sống người dân làm thước đo khen thưởng. Phải hướng vào công nhân, người sản xuất, lao động trực tiếp…Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “…đừng có hô hào suông mà phải gắn với thực tiễn cuộc sống”. “Làm sao chấm dứt hình thức, đi vào thực chất”. Đồng thời, Thủ tướng còn nhấn mạnh đến việc chủ động tìm kiếm, phát hiện người tốt, việc tốt…