Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường sắt

(NTO) Thời gian qua, tình hình TNGT đường sắt diễn ra khá phức tạp. Tại tỉnh ta trong tháng qua đã xảy ra 2 vụ, làm 2 người chết, bằng tổng số vụ xảy ra trong cả năm 2016. Nguyên nhân phần lớn những vụ tai nạn này vẫn bắt nguồn từ sự bất cẩn của người dân khi băng qua đường sắt tại những đường ngang dân sinh.

Tuyến đường sắt Bắc Nam qua địa bàn tỉnh ta có chiều dài 61 km nhưng có tới gần 100 đường ngang và lối đi dân sinh ngang qua đường sắt. Trong đó chỉ có 28 đường ngang hợp pháp, có rào chắn, người gác hoặc đèn cảnh báo tự động, còn lại hầu hết là đường đất, đoạn vượt qua đường sắt không thuận lợi, lòng đường sắt không được lát tấm đan, tầm nhìn quan sát không đảm bảo, nên nguy cơ xảy ra TNGT ở những lối đi dân sinh này là rất cao.

Vào giờ cao điểm, trên đường 21-8 vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc do chờ tàu.

Theo ông Trương Phi Hùng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh: Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển, nhu cầu đi lại, vận chuyển băng qua đường sắt kết nối các khu kinh tế, khu dân cư ngày một tăng. Mặt khác, ngành Đường sắt cũng liên tục tăng tốc độ chạy tàu để rút ngắn hành trình; tăng năng lực vận tải, tăng mật độ chạy tàu trên đoạn, tuyến qua tỉnh ta, có khi tốc độ tàu khách lên đến 80-90km/h. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT đường sắt của người tham gia giao thông đường bộ và người dân sinh sống 2 bên đường sắt còn nhiều hạn chế dẫn đến nguy cơ TNGT đường sắt gia tăng.

Nhằm khắc phục những tồn tại, đảm bảo ATGT đường sắt, thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện quy chế phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt. Toàn tỉnh đã chủ động tổ chức cử người cảnh giới tại một số đường dân sinh nguy hiểm, không để phát sinh thêm lối đi bất hợp pháp; cải tạo nâng cấp 4 đường ngang, cắm biển “chú ý tàu hỏa” tại 65/65 lối đi dân sinh; tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt; tổ chức sâu rộng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT cho Nhân dân trên các phương tiện truyền thông.

Để góp phần giảm thiểu TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, nhiệm vụ cần thiết phải thực hiện đó là giải tỏa và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình và hành lang ATGT đường sắt tại 8 vị trí thuộc huyện Thuận Nam, Ninh Phước do người dân xây dựng tường rào, nhà ở, đổ rác thải lên đường sắt; đề xuất nâng cấp 9 đường ngang và thực hiện các biện pháp rào thu hẹp lối đi dân sinh tại 6 vị trí nhằm khắc phục nguy cơ tiềm ẩn gây TNGT đường sắt. Về lâu dài, thực hiện lộ trình đến năm 2020 xóa bỏ toàn bộ các lối đi dân sinh hiện có trên địa bàn.

Ông Trương Phi Hùng cho biết thêm: Để khắc phục những tồn tại hiện nay, cần thiết phải đầu tư cải tạo mặt lát êm thuận tại các lối đi, trên cơ sở đó tỉnh đã đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Đối với đường ngang trong ga Hòa Trinh (Thuận Nam) tại km 1419+419, hiện tại khi tàu nhường tránh, đỗ lại trong ga, nhân dân không thể qua lại trên đường ngang, nên đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư khi phí để có phương án dịch chuyển ga, hoặc di chuyển đường ngang và xây dựng hệ thống đường gom hai bên đường sắt, nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu và thuận lợi cho người dân khi qua đường sắt. Mặt khác, Bộ Giao thông vận tải cần sớm triển khai thực hiện việc cắm lại mốc chỉ giới đường sắt theo Luật Đường sắt. Do trước đây đã tiến hành cắm mốc chỉ giới nhưng đến nay không còn phù hợp với quy định của luật hiện hành, dẫn đến việc quản lý hành lang ATGT đường sắt gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục nguy cơ tiềm ẩn gây TNGT và giảm các vụ TNGT đường sắt trên địa bàn, bên cạnh việc duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp trong việc đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt, người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT đường sắt, tránh để xảy ra những vụ TNGT thương tâm, gây hậu quả đáng tiếc như thời gian gần đây.