Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Quốc phòng

Dự thảo Luật Quốc phòng do Bộ Quốc phòng soạn thảo đề xuất nhiều hành vi bị nghiêm cấm.

 
Ảnh minh họa

Cụ thể, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Mọi âm mưu và hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thành lập đơn vị vũ trang trái pháp luật; điều động, sử dụng người, trang bị, vũ khí để tiến hành các hoạt động vũ trang khi chưa có lệnh của cấp có thẩm quyền hoặc không có trong kế hoạch huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Cùng với đó, nghiêm cấm giả danh sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ; lợi dụng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thu thập, tàng trữ, sản xuất, chế tạo, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt, sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, phương tiện kỹ thuật thuộc lĩnh vực quốc phòng, trang phục của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ trái pháp luật; tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, khống chế, kích động, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo người khác nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dự thảo Luật cũng nêu rõ cấm hoạt động tình báo, gián điệp chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tàng trữ, tiết lộ, cung cấp, phát tán, tuyên truyền, thông tin, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước trái pháp luật; chiếm giữ, chiếm dụng, chiếm đoạt, phá hoại tài sản phục vụ quốc phòng và dự trữ quốc gia bảo đảm cho quốc phòng; lấn chiếm, huỷ hoại, phá hoại công trình quốc phòng, khu quân sự; xây dựng, khai thác, đặt thiết bị và những hành vi khác làm ảnh hưởng đến cấu trúc, tác dụng, an toàn, bí mật của công trình quốc phòng và khu quân sự; hành vi khác xâm phạm đến lĩnh vực quốc phòng quy định tại pháp luật có liên quan.

Giáo dục quốc phòng và an ninh

Dự thảo cũng quy định về giáo dục quốc phòng và an ninh. Cụ thể, giáo dục quốc phòng và an ninh được thực hiện trong phạm vi cả nước với nội dung, hình thức phương pháp phù hợp cho từng đối tượng.

Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học chính khóa trong các trường trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; được thực hiện lồng ghép trong các trường tiểu học, trung học cơ sở.

Cán bộ, công chức, viên chức quản lý, đại biểu dân cử, người quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố (gọi chung là thôn), trưởng các đoàn thể ở thôn, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân.

Nguồn www.chinhphu.vn