Dự thảo Luật quốc phòng

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Luật quốc phòng quy định chính sách quốc phòng, nguyên tắc, nội dung cơ bản về hoạt động quốc phòng; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, nghĩa vụ và quyền của công dân về quốc phòng.

 
Ảnh minh họa

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Dự thảo Luật nêu rõ Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam củng cố và tăng cường quốc phòng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời; sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để ngăn chặn, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu và hành động xâm lược bằng bất kỳ hình thức nào.

Nguyên tắc hoạt động quốc phòng là huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; kết hợp hoạt động quốc phòng với hoạt động an ninh, đối ngoại; tăng cường hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng...

Dự thảo cũng quy định rõ nghĩa vụ và quyền của công dân về quốc phòng. Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, chấp hành các biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Công dân có trách nhiệm phát hiện, cung cấp thông tin, ngăn chặn, tố cáo các hành vi vi phạm và giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức hoặc người có trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quốc phòng.

Công dân được giáo dục về quốc phòng, an ninh và huấn luyện quân sự, phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.

Công dân phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc được huy động làm nhiệm vụ quốc phòng thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Lực lượng vũ trang nhân dân

Theo dự thảo, lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ.

Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Đảng và Nhà nước,có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, những thành quả cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ.

Việc sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân khi xảy ra thảm họa hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Việc sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới do Hội đồng quốc phòng và an ninh quyết định.

Nguồn www.chinhphu.vn