Chỉ thị: Về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2017

LTS: Ngày 21-2-2017, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2017. Báo Điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

 Trong năm 2016, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như: Lở mồm long móng, Tai xanh heo, Cúm gia cầm (H5N1, H5N6) đã xảy ra tại một số tỉnh, thành trên cả nước; trên địa bàn tỉnh ta cũng đã xảy ra dịch bệnh Lở mồm long móng tại huyện Ninh Phước và huyện Bác Ái, làm 422 con gia súc mắc bệnh. Mặt khác, trong năm 2016 diễn biến thời tiết rất bất lợi (08 tháng đầu năm, hạn hán kéo dài gần gần 03 năm liền, những tháng cuối năm mưa lũ kéo dài, gây ngập lụt diện rộng) gây ra thiếu thức ăn cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh; kết quả tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm năm 2016 tại một số địa phương còn thấp, chưa đạt mức bảo hộ miễn dịch,… dẫn đến trình trạng suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, nguy cơ phát sinh một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm trong thời gian tới rất lớn.

Nhằm chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, góp phần phát triển chăn nuôi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; thường xuyên tổ chức hướng dẫn nhân dân, người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo quy định, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng và Tai xanh heo;

- Chỉ đạo Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc, Tổ kiểm dịch động vật liên ngành, các cơ quan chức năng và đơn vị trực thuộc có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát (24/24 giờ) việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh ngoài;

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

+ Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm theo Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn (Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động thực hiện việc tiêm phòng định kỳ, bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm của mình;

+ Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân nhân các huyện, thành phố thực hiện các đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi;

+ Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh, những vùng có ổ dịch cũ và những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm còn thấp trong năm 2016; kiểm tra việc chấp hành các quy định về buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, tăng cường kiểm soát những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và cơ sở kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định;

+ Tăng cường giám sát lưu hành vi rút trên gia cầm ( H5N1, H5N6) và vi rút Lở mồm long móng trên gia súc tại các địa phương có ổ dịch cũ nhằm cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh và có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, kịp thời. Chủ động, phối hợp với ngành Y tế giám sát các trường hợp dịch bệnh từ động vật lây sang người nhằm cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tổ chức rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các huyện, thành phố và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo; thường xuyên tổ chức họp giao ban để nắm tình hình, nhằm chủ động đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả; quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn;

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan cơ quan Thú y thực hiện tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc khử trùng theo kế hoạch; tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân về những nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là các bệnh lây sang người (Cúm gia cầm, Dại, Liên cầu khuẩn ở heo,…) nhằm nâng cao nhận thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng; tuyên truyền vận động nhân dân không sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được cơ quan Thú y kiểm dịch, đồng thời chủ động khai báo dịch bệnh và tham gia phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; phối hợp với ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, cách chế biến, bảo quản và dự trữ thức ăn cho gia súc để dự trữ trong mùa khô hạn hoặc mưa lũ;

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm và các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm và các chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn quản lý; tuyên truyền, vận động nhân dân nên mua, bán sản phẩm gia súc, gia cầm có nguồn gốc và đã qua kiểm dịch; kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan Thú y, nhất là tại các điểm kinh doanh gia súc, gia cầm sống.

3. Sở Y tế:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về mức độ nguy hiểm, các triệu chứng có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh từ gia súc, gia cầm sang người đến từng hộ dân, khu phố, các khu vực tập trung dân cư, các bệnh viện, trường học,... để nâng cao nhận thức của nhân dân; tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện và cách ly kịp thời các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh do gia súc, gia cầm lây sang người (nhất là bệnh Cúm gia cầm). Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh để chủ động trong công tác điều trị bệnh;

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở chế biến, các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, quán ăn; khi phát hiện phải xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm có sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm phải cam kết không sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm không có nguồn gốc.

4. Sở Công Thương: Chỉ đạo Chi Cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm theo quy định hiện hành.

5. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng, chống dịch bệnh trên động vật và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các đối tượng tái phạm hoặc có hành vi chống đối, hành hung người thi hành công vụ.

6. Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo Ban Quản lý các bến xe thông báo cho chủ phương tiện vận tải hành khách không được vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm. Niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Chi cục Chăn nuôi và Thú y trên các phương tiện vận tải hành khách để hành khách biết và kịp thời báo cho các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm chung với hành khách.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận: Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đơn vị liên quan thường xuyên thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến các loại dịch bệnh xảy ra trên gia súc, gia cầm có nguy cơ lây sang người, các biểu hiện nhận biết gia súc, gia cầm mắc bệnh và biện pháp xử lý để nhân dân chủ động phòng, chống dịch bệnh; khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm gia súc, gia cầm có nguồn gốc, đã được kiểm dịch của cơ quan Thú y.

8. Sở Tài chính: Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành, địa phương và đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo kịp thời để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu lãnh đạo các Sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các nội dung trên. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền giải quyết, các đơn vị khẩn trương báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.