VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm!

(NTO) Những ngày gần đây, dư luận không những quan tâm mà còn tỏ ra lo ngại tình trạng xâm nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 đã phát triển tại một số tỉnh ở Trung Quốc và đang có những diễn biến phức tạp, với số người mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%).

Trong đó tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nơi có dịch cúm là những địa phương có giao thương, du lịch nhiều với nước ta, vì vậy khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta là rất khó tránh khỏi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ tính trong tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã có 109 trường hợp người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm A H7N9.

Cán bộ thú y huyện Ninh Sơn tiêm phòng cho đàn gia cầm người dân xã Lương Sơn. Ảnh: Nguyễn Sơn

Trước thực trạng nêu trên, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có Công điện khẩn số 1475/CĐ-BNN-TY yêu cầu tăng cường các biện pháp ngăn chặn virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam. Theo đó, cúm gia cầm độc lực cao như: cúm A/ H7N9, cúm A/ H5N2, cúm A/ H5N8 và cúm A /H5N6 đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Dù chưa phát hiện những chủng vi rút độc lực cao này nhưng nước ta đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm cao thông qua các hoạt động vận chuyển, mua bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc...

Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương nghiêm cấm vận chuyển và tiêu thụ gia cầm nhập lậu. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi chọn mua giống gia cầm tại những cơ sở giống có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Còn người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát thú y. Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm có hiệu quả nhất. Chỉ đạo UBND các cấp, các ban, ngành của địa phương và lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, y tế kiểm tra chặt chẽ tại các thôn bản, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; chính quyền các cấp chủ động áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định; lập kế hoạch chủ động bố trí lực lượng kiểm soát cố định và cơ động, nhân lực, vật tư, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, không để dịch lây lan cho người và xảy ra trên diện rộng…

Trước tình hình trên, Bộ Y tế cũng đã có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh chỉ đạo đề phòng dịch cúm, đặc biệt chỉ đạo Sở Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm tại các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra... Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, nếu thấy biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Đối với tỉnh ta cũng không thể chủ quan. Toàn tỉnh có tổng đàn gà trên 915 nghìn con với quy mô nuôi phổ biến tại nhiều hộ từ 30 đến 500 con. Riêng đàn vịt phát triển khá với tổng đàn trên dưới 500 ngàn con, trong số này phần lớn nuôi theo hình thức “chạy đồng” nên rất dễ lây lan dịch bệnh nếu không phòng ngừa tốt thông qua tuyên truyền, kiểm soát của cơ quan thú y, nhất là ý thức của người chăn nuôi…Vấn đề đặt ra hiện nay là chính quyền các địa phương và các ngành liên quan cần thực hiện nghiêm túc Công điện khẩn của Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế; Công văn số 1188-CV/TU ngày 25/1/2017 của Tỉnh ủy "Về việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh" bằng các giải pháp phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.