VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Quyết liệt hành động bảo đảm VSATTP trong nông nghiệp!

(NTO) Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tiếp tục xác định là năm cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là năm thứ 2, Bộ NN&PTNT thực hiện năm cao điểm nói trên.

Đối với tỉnh ta, với quyết tâm hạn chế tình trạng mất ATTP trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, trong năm qua bên cạnh nỗ lực gia tăng giá trị nông sản, ngành NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATTP. Đồng thời nỗ lực trong hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện quy trình sản xuất nông sản an toàn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp... Trên cơ sở đó, ngành đã tăng cường tổ chức kiểm tra đánh giá, phân loại và kiểm tra định kỳ 186 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) nông, lâm, thủy sản và muối. Kết quả: 44 cơ sở xếp loại A, 134 cơ sở xếp loại B, 8 cơ sở xếp loại C (tái kiểm tra 5 cơ sở xếp loại C được nâng lên loại B), trong đó đã hoàn thiện và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP cho 77 cơ sở; hỗ trợ xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 5 sản phẩm thịt dê, cừu, táo sấy, rau tươi và thủy sản khô. Đồng thời, lấy 29 mẫu (12 mẫu rau, 13 mẫu quả và 4 mẫu tôm) trong đợt cao điểm ATTP kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh với kết quả 100% mẫu đạt yêu cầu; lấy 33 mẫu tôm thẻ kiểm soát dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, kết quả chưa phát hiện nhiễm kháng sinh cấm…Bên cạnh đó, ngành đã tổ chức thi sát hạch và cấp Giấy xác nhận (GCN) kiến thức về ATTP cho 612 người/394 GCN; tổ chức 15 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số…

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) trồng cây măng tây xanh theo hướng VietGAP. Ảnh: Sơn Ngọc

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành NN&PTNT ngày càng đi vào nền nếp. Đặc biệt, khi vấn đề ATTP đang được dư luận xã hội quan tâm, ngành đã tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, thực hiện tốt công tác giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm. Qua các đợt thanh, kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở SXKD thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản đã có ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Nhiều cơ sở SXKD vẫn chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định về VSATTP. Tình hình ô nhiễm vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng khánh sinh cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản vẫn còn khó kiểm soát...

Mới đây, tại Hội nghị triển khai kế hoạch cao điểm hành động VSATTP năm 2017, Bộ NN&PTNT xác định giải pháp trọng tâm là tập trung công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm về sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật lậu, nguyên liệu kháng sinh, thuốc thú y ngoài danh mục trong thủy sản, phân bón… Bộ NN&PTNT sẽ thanh tra đột xuất nhiều đợt (thay vì thanh tra theo kế hoạch) để phát hiện và xử lý các cơ sở làm ăn gian dối, cố tình vi phạm...Theo đó, đối với tỉnh ta yêu cầu đặt ra là để thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, ngành cần tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về VSATTP, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về SXKD nông sản thực phẩm an toàn cũng như quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển, mở rộng các chuỗi liên kết cung ứng, sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản và thực phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc trên địa bàn toàn tỉnh đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng cũng như phục vụ xuất khẩu. Tập huấn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; vận động người SXKD nói không với sản phẩm không an toàn…