VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống!

(NTO) Để nhanh chóng đưa Nghị quyết 05-NQ/TW, ngày 1-11-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” vào cuộc sống, phù hợp với thực tiễn tình hình của tỉnh, Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu cụ thể như sau:

- Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó, lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo.

- Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên là tập trung huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; phát huy lợi thế từng ngành, từng sản phẩm đưa quy mô nền kinh tế tăng 1,7 lần so với năm 2015, tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học- công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công.

 
Tàu cá được ngư dân đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ tạo động lực phát triển kinh tế biển tỉnh ta.   Ảnh:H.T

Từ mục tiêu đã nêu, Kế hoạch thực hiện xác định các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 như: Tốc độ tăng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 10-11%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 58-60 triệu đồng/người; rút ngắn nhanh khoảng cách thu nhập so với bình quân chung cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 khoảng 51-55 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn các thành phần kinh tế và dân cư chiếm khoảng 54,8%... Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Tỉnh ủy đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đó là: Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả ba đột phá chiến lược về phát triển kinh tế- xã hội; Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng, chuyển giao khoa học- công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm; Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; Tăng cường liên kết, phát triển kinh tế vùng; thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hóa; Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

Một trong những nội dung trọng tâm của Kế hoạch thực hiện là đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách bảo đảm đủ mạnh để khuyến khích, hỗ trợ cơ cấu lại nông nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung các cơ chế, chính sách hỗ trợ: tích tụ đất nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất- chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và hình thành chuỗi giá trị hàng hóa, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế của tỉnh… Thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với cụm liên kết ngành hàng theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù của tỉnh.

Về cơ cấu lại các ngành Công nghiệp, Kế hoạch thực hiện xác định cần ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), công nghiệp nặng và các ngành công nghiệp hỗ trợ để tạo động lực bức phá cho tăng trưởng; tăng mạnh năng suất nội bộ ngành, tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm…

Ngoài ra, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong khu vực và các thành phố lớn trong cả nước, các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, tranh thủ nguồn lực kiều bào Ninh Thuận định cư ở nước ngoài về đầu tư tại tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đưa việc thực hiện chương trình hợp tác giữa các địa phương là một nhiệm vụ trọng tâm trong các hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh trong thời kỳ hội nhập. Mặt khác, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện các quy hoạch phát triển đô thị. Phát triển đô thị theo hướng hình thành hệ thống đô thị trung tâm nhiều cấp, tận dụng lợi thế về địa kinh tế của tỉnh và phát huy thế mạnh của từng vùng để hình thành các khu đô thị tập trung, các trung tâm kinh tế có quy mô hợp lý gắn quá trình đô thị hóa nông thôn theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ…

Yêu cầu đặt ra là để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 05-NQ/TW và Kế hoạch của Tỉnh ủy, các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế từng ngành, địa phương… trên tinh thần dễ nhớ, dễ làm, làm quyết liệt và có hiệu quả…