Làng gà Darahoa trên cao nguyên Langbiang

“Vầng trăng sáng lên buôn làng ta. Lời anh hát vang khắp rừng xanh. Cùng em múa dưới ánh trăng soi. Tiếng cồng chiêng ngân vang núi đồi...”. Khúc hát yal yau giục giã bước chân lữ khách tìm về làng gà Darahoa để hòa mình vào không gian huyền thoại cùng hương sắc mùa xuân cao nguyên nồng nàn, rực rỡ.

Cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 18km về hướng Nam, làng gà Darahoa, thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) giống như đóa hoa Pơ-lang nở dưới chân núi Noi hùng vĩ. Con đường đường làng chạy len lỏi giữa cánh đồng bát ngát rau và hoa. Hai bên là những căn nhà gỗ phủ lớp thời gian nâu xám, cũ kĩ. Trong những căn nhà, nét văn hóa Cơ-ho hiện diện khá đậm nét qua những vật trang trí, khung dệt, những tấm vải thổ cẩm sắc màu rực rỡ và cả những mái tóc xoăn bồng bềnh tự nhiên, làn da rám nắng, những đôi mắt to tròn, thẳm sâu như đêm đại ngàn cuối tháng. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh chú gà trống khổng lồ đứng giữa làng. “Nó là linh vật của làng mình đấy. Từ nhỏ mình đã thấy nó đứng ở đó rồi” - Chị K’Đông, người phụ nữ làm nghề đan và bán thổ cẩm trong làng tự hào giới thiệu.

Một góc làng gà Darahoa.

Chú gà trống ở làng Darahoa là hiện thân của chú gà trong huyền thoại. Chuyện rằng, vào một ngày xưa rất xưa, có đôi trẻ trong làng yêu nhau tha thiết nhưng gia đình chàng trai chê cô gái nghèo khổ nên đã tìm mọi cách ngăn cản tình yêu của họ. Người Cơ-ho theo chế độ mẫu hệ, con gái muốn “bắt chồng” phải có đồ sính lễ. Vì không muốn gả con cho cô gái nghèo nên nhà trai tìm đủ mọi cách chối từ. Họ thách cưới rất cao. Ui (xà-rông) vài chục tấm; vòng bạc, nồi đồng mấy chục đôi; hằng trăm gùi lúa, vài chục con heo và gà. Nặng nề là thế nhưng vì muốn lấy được người mình thương, cô gái vẫn lo đủ. Tuy nhiên, để làm khó cô gái, đến phút chót, nhà trai đòi thêm 1 con gà trống có nhiều cựa. Cô gái biết sẽ chẳng bao giờ tìm được chú gà như vậy nên nàng rất buồn đau, nàng lặng lẽ bỏ làng ra đi. Chàng trai biết chuyện cũng bỏ đi, cả 2 mãi mãi không trở về.

Thương cho mối tình dang dở, dân làng mở cuộc họp thống nhất không ai được phép ngăn cản đôi lứa yêu nhau, các gia đình có con trai cũng không được thách cưới cao nữa. Ai vi phạm sẽ bị phạt vạ và đuổi ra khỏi làng. Mọi người còn dựng 1 con gà rất lớn bằng rơm ở giữa làng để tưởng nhớ chuyện tình buồn của trôi trai gái và nhắc nhau đừng bao giờ để những điều tương tự xảy ra ở làng Darahoa.

Năm 1978, khi đảm nhiệm thiết kế công trình nước sạch phục vụ cho dân làng Darahoa, kiến trúc sư Lữ Trúc Phương, tác giả của nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng tại Đà Lạt như “Đường lên trăng, “Nhà trăm mái” đã quyết định tái hiện hình ảnh con gà trong câu chuyện tình của đôi trẻ vào công trình cấp nước. Theo đó, 1 chú gà trống khổng lồ cao gần 10m, nặng hơn 5 tấn, được đúc bằng bê tông, đặt trên 1 bệ cao bằng đá, đầu gà vươn về hướng mặt trời mọc, chân gà có nhiều cựa, bên bụng gà rỗng làm bể chứa nước và được đấu nối với với hệ thống vòi dưới mặt đất. Xung quanh chú gà là các công trình bể chứa, sân tắm gặt, hòn non bộ khá cầu kì, đẹp mắt. Công trình nhận nước từ dòng suối chảy từ núi Voi về phục vụ dân làng. Gần 40 năm qua, đến nay tượng gà ở làng Darahoa vẫn là bức tượng gà lớn nhất Việt Nam.

Nghề dệt ở làng gà Darahoa.

Vùng đất Hiệp An, huyện Đức Trọng đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ nhưng làng Darahoa vẫn giữ được vẻ thanh bình, xưa cũ cùng nét văn hóa Cơ-ho đặc sắc. Những nếp nhà gỗ có tuổi đời hàng chục năm, được xây theo kiểu “đờ-mi” với một nửa tường dưới là gạch, nửa trên dựng bằng gỗ thông, có gác xép làm chỗ ngủ hoặc cất giữ lương thực vẫn được nhiều gia đình giữ lại. Trong tổng số 294 hộ thì có 16 hộ vẫn duy trì nghề dệt và bán thổ cẩm truyền thống. Bên bếp lửa, những người phụ nữ vẫn thoăn thoắt bàn tay trên khung dệt. Từ những sợi chỉ đủ màu sắc, qua bàn tay khéo léo và kĩ thuật bí truyền, những hoa văn hiện ra trên tấm ui sinh động và rực rỡ. Này là sóng nước, hoa cỏ, mái nhà dài truyền thống, vũ nữ, chim muông. “Hoa đẹp phải có hương thơm, con gái Cơ-ho thì phải biết dệt vải. Đồ mình làm ra mới quý, như tấm tấm ui này, bây giờ đi hỏi chồng vẫn phải có đấy”- Chị K’Đông khẳng định.

Vẻ đẹp thiên nhiên cùng nét văn hóa đặc sắc khiến lượng du khách về thăm làng Darahoa ngày càng nhiều. Họ tới để được ngắm và nghe chuyện về chú gà huyền thoại, ngồi trong những nếp nhà xưa, ướm lên mình những bộ trang phục thơm hương của rừng, say trong men rượu cần và hòa vào những đêm hội cồng chiêng rộn rã. Tới thăm làng gà Darahoa mùa xuân này chắc chắn sẽ là chuyến trải nghiệm thú vị đối với du khách.