Ninh Phước: Tạo động lực phát triển từ lợi thế nông nghiệp

(NTO) Về huyện Ninh Phước vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, đi từ thị trấn Phước Dân đến các xã Phước Hữu, Phước Thái, Phước Hậu, Phước Sơn..., chúng tôi cảm nhận vẻ đẹp của một vùng đất đang từng ngày phát triển.

 Thành quả sau một năm nỗ lực

Triển khai nhiệm vụ năm 2016 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình nắng hạn và mưa lũ những tháng cuối năm làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và chăn nuôi của người dân, nhưng với tinh thần chủ động trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện Ninh Phước, tình hình kinh tế-xã hội địa phương vẫn đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Trong tổng số 12 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện giao, có 10/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó: Về kinh tế có 4/6 chỉ tiêu vượt kế hoạch; về xã hội có 4/4 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; về môi trường có 1/1 chỉ tiêu vượt kế hoạch và về quốc phòng có 1/1 chỉ tiêu đạt kế hoạch.

 

Nông dân thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) áp dụng cơ giới hóa vào
thu hoạch lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Phát huy lợi thế của huyện thuần nông, trong năm qua, địa phương không chỉ hướng nông dân chuyển đổi sản xuất các loại cây trồng phù hợp với từng loại đất để vừa đảm bảo kinh tế, vừa tiết kiệm nước, mà còn linh hoạt trong việc vận dụng các cơ chế, chính sách để khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi các loại gia súc như bò, dê, cừu... theo mô hình trang trại vừa và nhỏ, kết hợp lồng ghép trồng cỏ nuôi vỗ béo... với tổng đàn hiện có trên 132.480 con. Trong đó, tại xã Phước Vinh hiện có nhiều cơ sở nuôi heo tập trung quy mô từ 600-2.000 con/cơ sở; nuôi gà lấy trứng quy mô 120.000 con/trại... Nhờ đó, nâng mức thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 28 triệu đồng/người/năm, vượt 9,38% kế hoạch, tăng 16,18% so với năm 2015. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), ngoài 3 xã: Phước Sơn, Phước Thái, Phước Thuận được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện cũng nỗ lực để 2 xã Phước Vinh và Phước Hậu được công nhận đạt chuẩn trong năm 2016.

Điểm đáng chú ý trong phát triển nông nghiệp ở huyện Ninh Phước đó là, từ việc chủ yếu độc canh cây lúa, nay đã phát triển được nhiều vùng chuyên canh các loại cây trồng theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất. Trong đó, mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa từ vài chục ha ban đầu, đến nay tăng lên trên 4.000 ha; mô hình sản xuất nho, táo theo hướng VietGAP diện tích 340 ha; mô hình sản xuất gạo sạch 40 ha; sản xuất bắp nhân giống 268 ha; sản xuất lúa giống gần 200 ha; trồng ớt, nha đam 22 ha..., đã góp phần đưa tổng diện tích gieo trồng của huyện trong năm đạt 22.359 ha, tăng 1,1% so với năm trước. Qua kết quả thu hoạch cho thấy, các mô hình trên đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, điển hình như mô hình ứng dụng “1 phải, 5 giảm”, năng suất lúa đạt trung bình 69,4 tạ/ha, lợi nhuận tăng so với phương thức sản xuất cũ 3,7 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất lúa giống lợi nhuận cao hơn so với sản xuất lúa thương phẩm 5,8 triệu đồng/ha; sản xuất gạo sạch lợi nhuận so với sản xuất lúa thương phẩm 7,2 triệu đồng/ha; sản xuất bắp nhân giống lợi nhuận cao hơn sản xuất bắp thương phẩm 10,5 triệu đồng/ha và trồng măng tây xanh lợi nhuận đạt 540 triệu đồng/ha... Ngoài ra, trong năm 2016, huyện Ninh Phước còn khai thác hiệu quả thế mạnh nuôi trồng thủy sản với sản lượng đạt 11.338 triệu con post, vượt 1,2% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành nông-lâm-ngư nghiệp của huyện đạt trên 2.258 tỷ đồng, tăng 1,14%; trong đó, riêng giá trị ngành trồng trọt đạt trên 1.013 tỷ đồng, tăng 2,33% so với năm 2015.

 

Nông dân huyện Ninh Phước sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đổi mới - động lực phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước lần thứ XI đã xác định, đến năm 2020 đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành tăng bình quân hằng năm 12,28%. Theo đó, địa phương đã xây dựng chương trình hành động cụ thể hằng năm để thực hiện Nghị quyết thắng lợi theo hướng đổi mới, tạo động lực phát triển. Trước mắt, trong năm mới 2017, huyện Ninh Phước đề ra mục tiêu phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất các ngành đạt khoảng trên 5.601 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016; sản lượng tôm thịt đạt 2.142 tấn; thu ngân sách đạt 47,4 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 31,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% và giải quyết việc làm cho 2.800 lao động...

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu nêu trên, theo đồng chí Nguyễn Đô, chủ trương của huyện là tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo từ huyện đến cơ sở để Nhân dân khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là những vùng hưởng lợi từ các hồ chứa thuộc đồng 1 vụ tại các thôn Hậu Sanh, La Chữ (xã Phước Hữu), khu vực Bàu Ngứ (xã Phước Hải) và các diện tích thiếu nước ở xã Phước Vinh. Tiếp tục áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Triển khai xây dựng vùng sản xuất tập trung, “cánh đồng lớn” tại các xã Phước Hậu, Phước Thái, vùng sản xuất rau an toàn tại xã An Hải... theo Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh. Phấn đấu đưa tổng diện tích gieo trồng trong năm đạt 23.157 ha, trong đó cây lúa 14.246 ha (lúa giống 150 ha, lúa áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” 4.000 ha); cây bắp 2.600 ha, cỏ chăn nuôi 1.100 ha, rau đậu 4.898 ha; diện tích nho 460 ha và cây táo 650 ha.

 

Nông dân xã An Hải ( Ninh Phước) áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau an toàn.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, hoàn thành quy hoạch xây dựng phân khu Bình Quý, Mỹ Nghiệp; quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm hành chính huyện; Chương trình phát triển đô thị thị trấn Phước Dân và các khu dân cư: Phước An 2 (xã Phước Vinh), Vạn Phước (Phước Thuận)..., để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư kết cấu hạ tầng. Tăng cường công tác quảng bá, kết nối các tour, tuyến du lịch tại các làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, gốm Bàu Trúc, vườn nho Ba Mọi. Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác theo Nghị quyết của Huyện ủy. Kêu gọi đầu tư Dự án Nuôi bò thịt công nghệ cao tại xã Phước Vinh và Phước Thái; sản xuất tôm giống quy mô 120 ha tại xã An Hải. Phối hợp với các công ty để thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị giữa cung ứng vật tư đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi, gắn với thu mua, tiêu thụ các sản phẩm cây, con mang thế mạnh địa phương như nho, táo, bò, cừu. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội..., hướng đến xây dựng Ninh Phước trở thành huyện trọng điểm về phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.