Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Thế giới đã trải qua tuần thứ hai của năm 2017 với những diễn biến tích cực trong quan hệ ngoại giao của một số quốc gia, cùng sự căng thẳng từ các cuộc xung đột tiếp tục tái diễn ở các quốc gia khác và những tác động khắc nghiệt của hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
(Ảnh: Trí Dũng – TTXVN)

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức nước CHND Trung Hoa

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 12 – 15/1.

Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chủ trì lễ đón.

Chiều 12/1, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ngay sau lễ đón chính thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã chứng kiến Lễ ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trước đó, tại Đại lễ đường Nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng dự tiệc trà thân mật. Đây là cử chỉ đặc biệt, chưa có tiền lệ, thể hiện sự coi trọng và thiện chí của nhà lãnh đạo hạt nhân của Trung Quốc mong muốn tăng cường sự gần gũi, tin cậy với lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.

Tối cùng ngày, tại Đại lễ đường Nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, sáng 13/1, tại Nhà khách Điếu Ngư Đài, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến Lễ trao Huân chương Hữu nghị, phần thưởng cao quí của Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng bà Lý Tiểu Lâm, Chủ tịch Hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần và Chủ tịch Tập đoàn Sunwah Jonathan Choi.

Sáng 13/1, tại Đại lễ đường Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Chiều 13/1, tại Đại lễ đường Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc Trương Đức Giang. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã hội kiến với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân toàn quốc (Chính Hiệp) Trung Quốc Du Chính Thanh.

Tối 13/1, chương trình “Gặp gỡ hữu nghị nhân dịp chào mừng kỷ niệm 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và đón Xuân 2017” đã được tổ chức trọng thể tại Nhà khách Điếu Ngư Đài. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh đã dự và phát biểu.

Sáng 14/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu của Trung Quốc đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam: Chủ tịch Tập đoàn Hoa Hạ Triệu Hồng Tĩnh, Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc Vương Hồng Chương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Năng lượng mới Kaidi Dương Quang và Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản Đông Phương Trung Quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới đặt vòng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc; thăm, nói chuyện thân mật với cán bộ nhân viên Đại sứ quán, đại diện doanh nghiệp, lưu học sinh và bà con Việt kiều đang sinh sống, học tập, công tác tại Trung Quốc.

Chiều 14/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến sân bay quốc tế Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Đồng chí Hạ Bảo Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Nhân đại tỉnh Chiết Giang; Tổng lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải Nguyễn Thanh Mai, cùng nhiều cán bộ, lưu học sinh Việt Nam tại Chiết Giang đã nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam.

Diễn ra vào thời điểm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, nhân dân hai nước chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa quan trọng, định hướng phát triển lành mạnh, lâu dài cho quan hệ Việt – Trung, củng cố cục diện ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bước tiến mới quan trọng trong quan hệ Mỹ – Cuba

Ngày 12/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chấm dứt chính sách miễn thị thực cho người dân Cuba. Đây là chính sách Mỹ áp đặt hơn 20 năm qua chỉ riêng với người dân Cuba, theo đó, cho phép đa số người dân Cuba, nếu đã đặt chân lên đất Mỹ sẽ được hưởng quy chế thường trú sau một năm. Những người nhập cư đến từ các quốc gia khác đến Mỹ mà không có thị thực sẽ ngay lập tức bị bắt giữ và trục xuất. Theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, với sự thay đổi chính sách mới này, Mỹ vẫn tiếp tục hoan nghênh người dân Cuba đến Mỹ như những người dân quốc gia khác song theo đúng thủ tục pháp lý của Mỹ.

Việc Washington dỡ bỏ cái gọi là chính sách "chân ướt, chân ráo", được thông qua vào năm 1955, được nhìn nhận là tín hiệu tích cực nữa trong nỗ lực hàn hắn quan hệ song phương trong hai năm qua sau khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Động thái này cũng cho thấy nỗ lực của Tổng thống Obama trong việc thúc đẩy quan hệ song phương trước khi mãn nhiệm và vào thời điểm một tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Trước đó, ông Donald Trump cũng cho biết sẽ đàm phán lại thỏa thuận này với Cuba.

Cuba đã ngay lập tức hoan nghênh động thái trên của Mỹ, xem đây là một bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Đổi lại, phía Cuba đã đồng ý bắt đầu tiếp nhận những người Cuba bị Mỹ trục xuất, điều mà Cuba đã từ chối trong nhiều thập kỷ qua.

Ngoài ra, bức thư đề ngày 12/1 gửi Tổng thống đắc cử Trump có chữ ký của đại diện lãnh đạo nhiều tổ chức nông nghiệp Mỹ, kêu gọi ông Trump có sự điều chỉnh phù hợp, tránh đưa ra các biện pháp gây khó khăn cho tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, đặc biệt là hợp tác nông nghiệp. Bức thư kỳ vọng Tổng thống đắc cử Trump hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp trong nước mở rộng hợp tác với Cuba, dỡ bỏ những hạn chế về tài chính cũng như tín dụng, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước và giúp nông sản Mỹ cạnh tranh tốt hơn tại thị trường tiềm năng này.

Saudi Arabia nối lại viện trợ quân sự cho Lebanon

Hãng thông tấn AFP dẫn lời một nhà chức trách Lebanon tham gia phái đoàn của Tổng thống nước này đang ở thăm Riyadh cho biết, Saudi Arabia sẽ thiết lập chương trình hỗ trợ quân sự với kinh phí 3 tỷ USD cho Lebanon, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước. Theo nguồn tin này, việc phong tỏa các chương trình viện trợ quân sự đã được dỡ bỏ.

Sau một năm dài căng thẳng giữa hai quốc gia, ngày 9/1, Tổng thống Lebanon Michel Aoun đã tới Ryad bắt đầu chuyến thăm Saudi Arabia cùng một phái đoàn cấp cao với sự tham gia của nhiều Bộ trưởng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Michel Aoun đã có cuộc hội đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman ở thủ đô Riyadh. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Aoun đến Saudi Arabia kể từ cuộc bầu cử vào tháng 11 vừa qua chấm dứt thời gian bế tắc giữa hai khối được Iran và Saudi Arabia hậu thuẫn trong Quốc hội Lebanon.

Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga – Mỹ

Ngày 9/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với 5 quan chức Nga, trong đó có một cố vấn thân cận của Tổng thống Vladimir Putin. Theo đó, tên của các cá nhân này được bổ sung vào bản “danh sách đen” của Mỹ dựa trên Đạo luật Magnitsky năm 2012 về vi phạm nhân quyền.

Ngày 10/1, một nhóm Thượng nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đã cùng công bố một dự luật với một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến các cáo buộc tấn công mạng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ vừa qua, cũng như về vai trò của Nga trong các cuộc xung đột tại Syria và miền Đông Ukraine.

Trong cuộc họp báo cùng ngày tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố những biện pháp đối phó Nga hiện tại của Mỹ mới chỉ "là bắt đầu chứ chưa kết thúc".

Đến ngày 12/1, Bộ trưởng Quốc phòng đề cử Mỹ James Mattis tuyên bố nước này phải đối đầu với các hành động của Nga nếu những hành động đó đi ngược lại lợi ích của Mỹ.

Trong khi đó, ngày 12/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nước này sẵn sàng khôi phục quan hệ với Mỹ, tuy nhiên tiến trình này sẽ không hề dễ dàng.

Ngày 13/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gia hạn lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vốn được ban hành hồi tháng 3/2014 vì tình hình tại Crimea và Ukraine. Trong bức thư gửi lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội, Tổng thống Obama liệt kê những vấn đề vẫn là mối đe dọa đối với Mỹ.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ngày 11/1 (Ảnh: DM)

Tiến trình chuyển giao quyền lực tại Mỹ

Ngày 11/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tiến hành cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11/2016. Tại cuộc họp báo, Tổng thống đắc cử Mỹ Trump đã trình bày quan điểm liên quan tới việc điều hành các doanh nghiệp của ông. Liên quan tới chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Obamacare) được Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama ban hành năm 2011, ông Trump cho rằng Obamacare là một chương trình tồi của đảng Dân chủ và việc bãi bỏ Obamacare là cần thiết, nhưng cần được tiến hành song song với một chương trình thay thế. Trong lĩnh vực đối ngoại, ông Trump đã nói về những cáo buộc Nga dính dáng tới cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Tổng thống đắc cử Trump lần đầu tiên công khai thừa nhận Moskva đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống bầu cử Mỹ vừa qua, vấn đề đang gây tranh cãi gay gắt trên chính trường Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, ông khẳng định bản thân không hề có bất kỳ thỏa thuận, thỏa ước hay khoản vay nào với Nga. Nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc đang chiếm ưu thế trước Washington trên mặt trận kinh tế và tại khu vực Biển Đông. Cuối cùng, ông Trump nhấn mạnh mọi quốc gia trên thế giới sẽ tôn trọng nước Mỹ hơn nhiều so với chính quyền trước đây.

Dự kiến, 9 ngày sau cuộc họp báo đầu tiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức, trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Phát biểu với báo giới ngày 13/1, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson cho biết, tại các khu vực vành đai cơ quan này sẽ huy động thêm nhiều vật liệu cản, trong đó có xe tải chở cát, xe buýt và các loại phương tiện khác để ngăn chặn các đối tượng lạ mặt lái những chiếc xe trái phép đi vào đây, với mục đích thực hiện âm mưu khủng bố. Đây là biện pháp phòng ngừa nhằm tránh để xảy ra cuộc tấn công tương tự như ở thành phố Nice (Pháp) và tại thủ đô Berlin (Đức) thời gian vừa qua. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ cũng cho biết khoảng 700.000 – 900.000 người sẽ có mặt tại sự kiện, trong đó bao gồm 99 nhóm biểu tình phản đối. Nhà chức trách sẽ huy động khoảng 28.000 nhân viên an ninh.

Ngoài ra, bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ là một thách thức chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Mỹ với chi phí ước tính vượt 100 triệu USD.

Theo dự kiến, Tổng thống Barack Obama sẽ tổ chức buổi họp báo cuối cùng trong 8 năm cầm quyền của mình vào ngày 18/1 tới, chỉ 2 ngày trước khi ông rời nhiệm sở. Thông báo của Nhà Trắng cho biết ông Obama sẽ xuất hiện trước giới báo chí vào ngày 20/1 tới khi ông chuẩn bị bàn giao quyền lực cho ông Trump.

Xung đột, bạo lực tiếp tục tái diễn

* Ngày 10/1, hàng loạt vụ tấn công vào Afghanistan làm gần 50 người chết. Hầu hết những vụ tấn công đều nhằm vào các quan chức chính phủ nước này. Tại thủ đô Kabul, một vụ tấn công kép xảy ra nhằm vào khu vực tòa nhà Quốc hội Afghanistan, làm ít nhất 30 người chết và 80 người bị thương. Theo Bộ y tế Afghanistan, con số thương vong còn có thể tăng do một số người bị thương nặng đang trong tình trạng nguy kịch.Trong khi đó, tại Kandahar, nhà riêng của lãnh đạo tỉnh miền Nam Afghanistan cũng trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ khủng bố khi nhà lãnh đạo này đang tiếp Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất tại Afghanistan Juma Mohammed Abdullah Al Kaabi. Vụ tấn công đã làm ít nhất 12 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, trong đó có lãnh đạo tỉnh Kandahar và Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

* Ngày 11/1, một vụ đánh bom kép đã làm rung chuyển Kandahar, Afghanistan, khiến 13 người thiệt mạng trong đó có 5 nhà ngoại giao Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA). Bộ Nội vụ Afghanistan, mục tiêu của vụ đánh bom kép dường như nhằm vào khu vực văn phòng chính phủ. Theo giới chức địa phương, vụ nổ thứ nhất do một kẻ đánh bom liều chết thực hiện. Ngay sau đó, một xe chở bom gây ra vụ nổ thứ hai.

* Ngày 12/1, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại một khu vực an ninh nghiêm ngặt ở thủ đô Damascus của Syria, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương.

Cùng ngày, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria SOHR cho biết quân chính phủ đã tiến hành không kích khiến ít nhất 6 dân thường thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em tại tỉnh Aleppo, mặc dù lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực chưa đầy 2 tuần. Theo SOHR, tại tỉnh Idlib, ít nhất 22 tay súng thánh chiến cũng đã bị tiêu diệt trong gần 24 giờ trước đó.

Trại dành cho người di cư và tị nạn trên đảo Lesvos của Hy Lạp
trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt (Ảnh: IOM)

Thời tiết cực đoan ảnh hưởng tới nhiều khu vực

Tuyết rơi dày và nhiệt độ băng giá đang tiếp tục diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó đặc biệt là các nước châu Âu và Mỹ, làm hàng chục người thiệt mạng. Thời tiết khắc nghiệt cũng làm tê liệt các hoạt động giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Nhiều quốc gia ở khu vực Đông Âu như: Ba Lan, Romania, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Albani là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đợt giá rét bất thường năm nay. Tuyết rơi dày đặc và gió thổi mạnh đã khiến nhiều khu vực, tỉnh thành chìm trong tuyết trắng. Nhiệt độ ghi nhận ở nhiều nơi giảm xuống âm 30 độ C.

Trước những tác động tiêu cực của bão tuyết đối với sinh hoạt người dân, các nước châu Âu ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc cảnh báo thời tiết nguy hiểm, đồng thời bổ sung các biện pháp đối phó. Lực lượng cứu hộ phải làm việc trong nhiều giờ dọn tuyết, giải cứu người mắc kẹt trên đường. Các cơ quan cứu trợ nhân đạo cung cấp nơi tá túc, phát chăn ấm, nước nóng cho người vô gia cư.

Đợt bão tuyết mạnh kèm theo băng giá và mưa rét cũng tiếp tục gây tê liệt nhiều khu vực miền Nam và bờ Đông nước Mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân và tình hình giao thông.

Trong khi đó, nhiều nước ở Đông Nam Á đang trong cảnh lụt lội nghiêm trọng. Tình trạng ngập lụt trên diện rộng xảy ra từ ngày đầu năm mới đã buộc hơn 250.000 người tại hai bang Terengganu và Ketalan của Malaysia phải sơ tán. 5 con sông lớn ở Malaysia dâng cao ở mức báo động nguy cơ gây lũ quét và lở đất. Tại Indonesia, chính quyền địa phương và Cơ quan ứng phó thảm họa, Hội chữ thập đỏ và các tình nguyện viên đang khẩn trương sơ tán hàng nghìn người dân khỏi các khu vực miền Nam như Ache, Jaya, có nơi ngập sâu tới gần 1,6m. Còn nhiều tỉnh, thành của miền Nam Thái Lan cũng bị ngập dưới nước lũ sau hơn một tuần xảy ra mưa lớn. Trận mưa lũ này được mô tả là tồi tệ nhất trong gần 50 năm qua tại khu vực này, với 25 người thiệt mạng, 2 người vẫn còn mất tích và hàng triệu người cần được hỗ trợ khẩn cấp.

Trong bối cảnh đó, các thành viên của dự án nghiên cứu MIDAS tại Đại học Swanse ở xứ Wales hiện đang theo dõi sự rạn nứt diễn ra trên thềm băng Larsen C. Vết nứt này đang mở rộng về phía Tây trên Bán đảo Nam Cực. Các nhà khoa học thông báo, sự rạn nứt đột nhiên lớn hơn so với tháng trước và bây giờ đã là hơn 80km. Như vậy chỉ còn 20km nữa trước khi thềm băng này bị tách rời. Các nhà khoa học cũng cho rằng, Larsen C có thể tạo ra một tảng băng trôi khổng lồ với kích thước đạt gần 5.000km2. Như vậy, nó sẽ lớn tương đương tiểu bang Delaware (Mỹ), hoặc một phần tư kích thước của xứ Wales ở Anh.

Một số sự kiện đáng chú ý khác

* Ngày 10/1, tân Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres có bài phát biểu đầu tiên trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kể từ khi nhậm chức. Ông Antonio Guterres tiếp quản chức vụ Tổng thư ký Liên hợp quốc hôm 1/1 với cam kết cải cách Liên hợp quốc và tăng cường các nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu từ xung đột Syria tới cuộc chiến ở Nam Sudan.

* Ngày 10/1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga đã hoàn thành mục tiêu chính tại Syria, giúp chính quyền nước này đẩy lùi khủng bố. Ông Shoigu cũng chỉ trích chiến dịch của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Syria là thiếu hiệu quả, thậm chí còn làm tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng; đồng thời lấy làm tiếc khi chưa thấy được sự hỗ trợ của liên quân quốc tế đối với chiến dịch của Nga tại Syria.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 11/1 khẳng định cuộc đàm phán về tương lai chính trị của Syria sẽ diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 23/1.

* Ngày 12/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) củng cố sức mạnh đoàn kết trong bối cảnh khu vực này đang đối mặt với những thách thức to lớn nhất trong một thập kỷ qua.

* Ngày 12/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Philippines, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền hồi giữa năm 2016. Thủ tướng Abe muốn duy trì các mối quan hệ vững mạnh giữa Nhật Bản với Philippines, bày tỏ mong muốn trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương và khu vực, cũng như hội đàm thẳng thắn về cách thức đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực.

* Ngày 13/1 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đặt chân đến Sydney, bắt đầu chuyến thăm Australia. Theo kế hoạch, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull sẽ tổ chức hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Bản Abe vào ngày 14/1, trong đó hai bên sẽ thảo luận về tác động của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và căng thẳng leo thang tại Biển Đông. Dự kiến, nhân chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo sẽ ký bản sửa đổi Thỏa thuận Thu nhận và Dịch vụ tương hỗ (ACSA), theo đó lần đầu tiên lực lượng quốc phòng Australia có thể cung cấp đạn dược cho quân đội Nhật Bản.

* Ngày 13/1, Hạ viện Mỹ đã thông qua biện pháp cần thiết để bắt đầu tiến trình bãi bỏ Chương trình bảo hiểm y tế giá rẻ, thường được biết đến với tên gọi Obamacare. Với 227 phiếu thuận và 198 phiếu chống, Hạ viện đã nhất trí ra chỉ thị các ủy ban soạn thảo dự luật bãi bỏ chương trình này với mục tiêu đến ngày 27/1 tới có thể bãi bỏ Đạo luật Obamacare. Hai ngày trước, Thượng viện đã thông qua biện pháp tương tự. Quyết định vừa thông qua ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ không cần sự phê chuẩn của Tổng thống vì nó là một phần trong chu trình ngân sách nội bộ của quốc hội. Tuy nhiên, dự luật bãi bỏ Obamacare mới chỉ là dự thảo, do vậy nó cần được cả hai viện Quốc hội thông qua và Tổng thống ký ban hành.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam