Khơi dậy tinh thần hiếu học

(NTO) Những năm qua, phong trào khuyến học-khuyến tài (KH-KT) ở tỉnh ta phát triển sâu rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành điểm tựa vững chắc của nhiều hoàn cảnh khó khăn; góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học và thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập.

 Nhiều điển hình vượt khó

Có thể nói, tộc họ Kut Hamu Phok1 (khu phố 13, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước) từng được biết đến là tộc họ hiếu học đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Thành lập từ năm 1999, tộc họ đã duy tốt trì các hoạt động KH như vận động con em đi học đúng độ tuổi, không bỏ học, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội. Thông qua các hoạt động văn nghệ, biểu dương các con em có thành tích học tập tốt, các chi hội của tộc họ đã vận động xây dựng Quỹ KH gần 100 triệu đồng, hàng năm hỗ trợ chi phí học tập, đi lại cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, con em có thành tích cao trong học tập.

Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Bảo hiểm Prudence trao học bổng cho học sinh vượt khó - học giỏi.

Tại làng Chăm Văn Lâm (xã Phước Nam, Thuận Nam) có tộc họ Karít cũng có nhiều nỗ lực bên cạnh việc đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, còn đẩy mạnh các hoạt động KH-KT, kịp thời động viên, giúp đỡ những con em gặp khó khăn trong quá trình học tập. Tộc họ tự hào luôn có 100% con em trong độ tuổi đều được đến trường, nhiều người được học hành thành đạt và có nhiều đóng góp cho xã hội. Ông Não Văn Sáu, Trưởng tộc họ Karít cho biết: Để duy trì các hoạt động hỗ trợ học tập, khen thưởng học sinh giỏi, tộc họ luôn duy trì nguồn Quỹ KH, tạo vốn vay ưu đãi cho các hộ khó khăn có con em đang theo học lo trang trải cuộc sống và học tâp. Học sinh giỏi, đỗ đạt cao đều được vinh danh và khen thưởng kịp thời. Người thành đạt có trách nhiệm nâng đỡ, giúp thế hệ sau tiếp tục vươn lên, trở thành nét đẹp trong tộc họ.

Bên cạnh những tộc họ hiếu học, nhiều gia đình học tập cũng nhận thức sâu sắc về vai trò của KH, lấy tri thức làm động lực thoát nghèo. Xuất phát từ một hộ nông dân nghèo, gia đình ông Đàng Nguyên (thôn Tân Đức, xã Phước Hữu, Ninh Phước) từ khó khăn đã lập nghiệp vươn lên, nuôi 7 người con ăn học đến nơi, đến chốn. Dù khó khăn, nhưng tinh thần hiếu học trong các thành viên của gia đình chưa bao giờ xem nhẹ. Với tinh thần ham học, đến nay, 7 người con trong gia đình ông Đàng Nguyên đều có trình độ cao đẳng, đại học và cao học, đang tích cực góp phần xây dựng quê hương Ninh Phước, vừa vun đắp thêm truyền thống hiếu học, vươn lên của gia đình.

Cũng là một hộ nông dân, rất khó khăn, chồng làm nghề biển, vợ bị mù lòa nhưng hộ ông Phan Lộc (thôn Tri Thủy 1, xã Tri Hải, Ninh Hải) đã tần tảo chịu khó nuôi dạy 2 người con học hành thành đạt. Con gái lớn Phan Thị Yến Nhi, sinh năm 1992, sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành Tiếng Nhật, khoa Phương Đông học, Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) đã có việc làm thu nhập ổn định tại TP. Hồ Chí Minh. Noi gương chị, em trai Phan Minh Sơn, sinh năm 1997, hiện đang học Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận vẫn tranh thủ thời gian để làm thêm phụ giúp gia đình và chăm lo học tập tốt với niềm tin sớm trở thành người thợ lành nghề tại quê hương Ninh Thuận.

Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng vợ chồng ông Phan Lộc luôn dành nhiều
yêu thương, quan tâm cho việc học của các con.

Sức lan tỏa

Theo Hội KH tỉnh, cùng với sự phát triển của xu thế thời đại, các phong trào KH-KT, xây dựng xã hội học tập ngày càng được chú trọng. Các cấp Hội đã hưởng ứng, tích cực vận động xây dựng “gia đình học tập”, “dòng họ học tập” “cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập”; đẩy mạnh thi đua KH cả trong và ngoài nhà trường...

Qua đánh giá, toàn tỉnh hiện có 29.632 gia đình được công nhận “Gia đình học tập” trong tổng số 38.069 gia đình đăng ký, đạt 77,8%; có 177/264 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”, đạt 67% và 86/197 cộng đồng được công nhận “Cộng đồng học tập”, đạt 43,6%.

Bà Huỳnh Dã Thanh, Phó Chủ tịch Hội KH tỉnh cho biết: Những năm qua, các mô hình KH-KT trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Thời gian tới, Hội KH tỉnh không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng các hình thức vận động gây quỹ. Không chỉ dừng lại ở công tác KH, mà phải tạo động lực KT, phát hiện và chăm lo tài năng trẻ, đồng thời nhân rộng các mô hình điểm về xây dựng xã hội học tập ở các vùng còn khó khăn. Phấn đấu đến cuối năm 2020 có hơn 90% tổ chức Hội cơ sở đạt tiên tiến trở lên, có ít nhất 50% số dòng họ đạt tiêu chuẩn “Dòng họ học tập”, trên 80% số gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình học tập”, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà phát triển mạnh, tạo nên những mùa Xuân của tương lai.