Giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường

(NTO) Việc ý thức bảo vệ môi trường ở một bộ phận người dân còn khá kém. Nhiều người cứ thản nhiên quăng rác xuống sông, ngoài đường thì không bỏ đúng nơi quy định.

Lâu ngày, những thứ ấy sẽ bốc mùi, ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như hủy hoại sự sống của các loài thủy sản và ô nhiễm nguồn nước. Con trẻ thấy cha mẹ mình mỗi khi dùng xong thứ gì đều bỏ rác đúng vào nơi quy định, tất nhiên sẽ bắt chước làm theo. Tập tính ấy lâu ngày sẽ trở thành thói quen tốt và con trẻ sẽ biết điều gì nên làm và không nên làm…

Từ các trường mẫu giáo, tôi thấy nhiều những bức tranh cổ động, tuyên truyền bảo vệ môi trường sẽ là những hình ảnh trực quan sinh động giúp trẻ thích thú và nhớ lâu hơn hoặc từ các kênh truyền hình chuyên phát về những động vật hoang dã. Chắc chắn khi nhìn thấy một chú nai con lạc mẹ trong rừng, bị nhiều vết trầy xát, được nhân viên y tế nhẹ nhàng băng bó vết thương, điều đó khiến trẻ có nhiều xúc cảm sâu sắc hơn. Hay như nhìn thấy một chú tê giác bị cưa sừng  đau đớn, máu rỉ ra, được các nhân viên Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã dịu dàng vuốt ve, chữa lành vết thương… từ đó, lay động tình thương yêu động vật trong tim trẻ.

Có thể vào những ngày cuối tuần, phụ huynh nên dành ít thời gian đưa con đi chơi công viên. Ngoài việc cho trẻ thư giãn sau những giờ học căng thẳng còn là cách giúp trẻ quan sát, khám phá thiên nhiên trong đôi mắt đầy nét hồn nhiên và trong sáng. Hiện nay có nhiều hiệp hội, trường học, cơ quan, đoàn thể... thường tổ chức những cuộc thi vẽ tranh cổ động, tuyên truyền dành cho thiếu nhi. Hoạt động này nên nhân rộng, đó cũng là cách truyền cho trẻ tinh thần muốn thể hiện, gửi gắm những thông điệp yêu thương của mình vào thiên nhiên, môi trường qua các bức tranh đầy ngộ nghĩnh và đáng yêu.

Mọi thứ bắt nguồn từ những việc nhỏ nhất trong cách sinh hoạt ở nhà. Vì vậy gia đình phải là tấm gương sáng cho con noi theo. Trẻ con là cây non, là búp trên cành, cần phải được uốn nắn ngay từ nhỏ thì lớn lên mới đứng vững, vươn thẳng và mạnh mẽ.