Chuyện "Bà nội" của tôi

(NTO) Là người đến sau, nghe loáng thoáng mấy ông bạn nói chuyện gì đó liên quan đến bà nội, rồi họ cười khá vui vẻ, tôi xen vô: Chà, chủ đề thư giãn cuối tuần nhớ thời thơ ấu hay sao lại bàn về bà nội! Ừ, ngồi xuống đã, biết đâu chuyện “bà nội” của ông lại giúp nhóm mình giải bài toán khó.

Anh bạn vừa nói tiếp tục câu chuyện: Bà xã tớ dân kinh doanh, tiền lương giao chồng uống cà phê, nếu có nhu cầu gì thêm sẵn sàng đáp ứng, chỉ yêu cầu tớ đi đâu phải báo cáo cụ thể địa điểm, với ai. Thế nên ngoài giờ làm việc cùng bạn bè chơi thể thao, làm chút chút… chẳng bao giờ vợ có ý kiến. Vừa rồi, gần nhà có vụ vợ làm ngày, làm đêm bán bánh xèo, bánh căn thu nhập kha khá, không hiểu sao anh chồng ẵm cả trăm triệu tiền gom góp mấy năm trời của vợ theo em môi đỏ, mắt xanh đi đâu không rõ. Dân phố kháo nhau, rõ dại làm việc mệt nhọc không còn thời gian chăm sóc bản thân, đêm mệt ngủ khì, chồng thì ăn ngon, mặc đẹp, nhìn phơi phới, nó không theo gái mới lạ!? Chuyện hàng xóm làm bà xã tớ giật mình, thế rồi không một lời giải thích, em ngọt ngào: Chồng à, có ai biết được chữ “ngờ”, thôi thì anh giao lại em thẻ ATM nhé! Có việc gì cần tiền nói em chi. Từ đó đến nay trong ví mình tối đa chỉ 200 ngàn đồng. Vợ bảo đó là khoản dằn túi xử lý sự cố xe máy hỏng hóc bất ngờ hằng ngày đi làm việc và uống cà phê sáng. Các ông thấy đấy, mình đâu có như tay hàng xóm có sẵn máu ba lăm (dê) nhưng lại bị vợ cấm vận kinh tế… Nghe chuyện, cả nhóm cười: Ông đúng là chuột sa hũ nếp, vợ cảnh báo chút thôi cứ chăm lo gia đình cho tốt, vài ba bữa xuống nước năn nỉ chắc cô ấy phê duyệt xóa liền.

Nghe anh kể, mọi người cho rằng chị đúng là bà vợ "cao tay ấn". Đàn ông vốn thích chinh phục phụ nữ, tiền trong túi rủng rỉnh, say nắng em nào hễ có tiền là ga lăng, quà cáp thì chỉ có trời mới biết. Vậy nên, việc thắt chặt hầu bao là giải pháp ngăn ngừa khả thi nhất. Thấy mọi người luận bàn những bà xã cao thủ, anh bạn trẻ có vợ, một con than thở: Bà xã em khi ngân quỹ gia đình cạn, thiếu tiền chi tiêu thường réo rắt: Chồng à, vắt óc nghĩ làm thêm gì có tiền chứ, cứ bài ca tiết kiệm nghe nó cũ lắm!? Khổ nỗi dân công sở chỉ trông chờ vào đồng lương nên em đành đưa ra giải pháp huấn luyện con tiết kiệm từ giọt nước máy, từng kWh điện trong sinh hoạt hằng ngày. Đôi lúc nhắc nhở con quên tắt đèn chiếu sáng, đóng vòi nước máy thì bà xã cho ngay bài học: Tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh, ngôi nhà có sáng sủa thì âm dương hài hoà, gia chủ khoẻ mạnh, vận may mới đến vậy mà hơi một chút là tắt, tắt…!!! Nhất là tết nguyên đán sắp cận kề, chỉ mong cô ấy quên khoản giao chồng lo quần áo mới cho con, quà cáp cho cha mẹ hai bên mà cách đây ít tháng vợ nửa đùa, nửa thật rằng, tết này giao chồng… Đang suy nghĩ mông lung, chú công sở (gọi nhiều thành quen) vốn tư chất thông minh, ồ lên vỗ đùi cái đét: Thế mà không nghĩ ra, chủ đề “bà nội” các bác đang bàn chính là cứu cánh cho em. Này nhé, bà mẹ nào chẳng thương con chăm chút từng ly, từng chút. Vợ lo cho chồng như mẹ chăm con, thế nên em cứ tự nguyện nhận trách nhiệm vợ giao, chỉ xin bà xã giúp ứng trước chi dịp tết ra giêng tìm việc làm thêm kiếm tiền đưa vợ cũng chưa muộn.

Thì ra “bà nội” mà tôi nghe lúc mới đến là mọi người bàn về việc ứng xử với vợ mình để ít ra các vị cũng đừng gây khó mỗi khi họ gặp nhau vui vẻ chút chút, hàn huyên thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng. Nếu cánh đàn ông ở bất cứ đâu cũng nghĩ đến trách nhiệm với vợ con, tôn trọng vợ như “bà nội” thì đúng là đàn ông Xmen. Thế nhưng trọng vợ là một chuyện, còn gọi vợ là bà nội thì hãy coi chừng “gậy ông đập lưng ông” đấy! Câu kết của anh lớn tuổi nhất trong nhóm như nhắc nhở chúng tôi lần nữa về việc ứng xử, chăm lo cho gia đình mình mà trung tâm là bà xã.