Thế giới trong tuần

 1. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), ngày 30-11, đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên.

Các biện pháp trừng phạt tập trung vào cắt giảm 60% sản lượng than đá xuất khẩu của Triều Tiên, đồng thời đưa thêm các loại khoáng sản như đồng, niken, bạc, kẽm vào danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu từ phía Triều Tiên, siết chặt lĩnh vực hàng hải và tài chính của nước này. Nghị quyết mới cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức và 10 tổ chức của Triều Tiên, cùng với đó, các nước thành viên của LHQ được yêu cầu giảm bớt số lượng nhân viên ngoại giao của Triều Tiên tại các nước này.

Đây là nghị quyết thứ năm của HĐBA LHQ liên quan tới các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, phái bộ của Triều Tiên tại LHQ đã lên tiếng bác bỏ nghị quyết mới nhất của HĐBA về việc trừng phạt Bình Nhưỡng, gọi đây là một văn bản mang tính “phân biệt” và “không công bằng”, đồng thời nhắc lại tuyên bố rằng chương trình hạt nhân của họ là để tự vệ.

Trong khi đó, Hàn Quốc đã hoan nghênh một nghị quyết mới của HĐBA LHQ về Triều Tiên được thông qua nhằm phản ứng về vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Bình Nhưỡng. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ nghị quyết mới này nhằm thể hiện hành động cứng rắn đối với Triều Tiên, đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ chống lại những sự khiêu khích tiềm tàng mới và nhắc lại quyết tâm không bao giờ chấp nhận chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã lên tiếng hoan nghênh nghị quyết mới được HĐBA LHQ thông qua ngày 30-11 nhằm siết chặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Triều Tiên, vì Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 hồi tháng 9 vừa qua. Ông Abe nêu rõ: “Chúng tôi đánh giá cao Nghị quyết 2321 được nhất trí thông qua. Nghị quyết này phản ánh mục đích của cộng đồng quốc tế nhằm tiến hành các biện pháp cứng rắn hơn và theo một xu hướng hoàn toàn khác so với các nghị quyết đã được thông qua trong quá khứ”.

Đây là nghị quyết thứ 5 của HĐBA LHQ liên quan tới các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

2. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, hôm 1-12, cho biết, Ankara và Moskva muốn một lệnh ngừng bắn ở Syria.

Phát biểu với báo giới cùng người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, ông Cavusloglu cho biết Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí rằng một lệnh ngừng bắn là cần thiết để chấm dứt cuộc xung đột. Mặc dù quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gần đây có dấu hiệu cải thiện nhưng hai nước vẫn có quan điểm khác biệt về cuộc xung đột ở Syria.

Trong một diễn biến liên quan, theo một báo cáo của tạp chí Thời báo tài chính của Anh, lãnh đạo các phe đối lập tại Syria đang tiến hành đàm phán bí mật với đại diện của Nga để kết thúc chiến tranh ở Aleppo. Tờ báo cho biết có 4 phe đối lập Syria tham gia vào cuộc đàm phán này, trong khi Mỹ được cho là không tham gia.

Một động thái khác, theo LHQ, Nga đã đề xuất thiết lập 4 hành lang nhân đạo dẫn tới khu vực phía Đông thành phố Aleppo của Syria nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển hàng cứu trợ và sơ tán y tế. Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẵn sàng hộ tống các cơ quan viện trợ nhân đạo vào những khu vực phía Đông thành phố Aleppo, vốn đã được quét sạch phiến quân trong thời gian gần đây.