Công tác cải cách hành chính góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và thực hiện nhiệm vụ dân vận của chính quyền

 
Đồng chí Châu Thị Thanh Hà
Giám đốc Sở Nội vụ

(NTO) Công tác cải cách hành chính (CCHC) và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất chính trị, năng lực và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới. Làm tốt công tác CCHC cũng như đẩy mạnh việc thực hiện QCDC sẽ tác động mạnh mẽ đến việc củng cố và nâng cao vị thế của bộ máy nhà nước, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị; đồng thời, từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thực hiện CCHC và QCDC đều hướng tới một mục tiêu chung, đó là: Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Do đó, việc thực hiện CCHC không thể tách rời với việc thực hiện QCDC mà phải được thực hiện song hành, có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Công tác dân vận vừa là động lực vừa là mục tiêu của công tác CCHC

Quán triệt quan điểm nêu trên, thời gian qua Sở Nội vụ đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đẩy mạnh CCHC trên tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và thực hiện tốt nhiệm vụ dân vận chính quyền.

Thông qua việc thực hiện QCDC và đẩy mạnh CCHC, hoạt động của HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới. Công tác tiếp xúc cử tri được cải tiến, thiết thực, hiệu quả hơn. Nhờ đó, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được đối thoại, giải thích trực tiếp và xem xét giải quyết. Chất lượng các kỳ họp của HĐND các cấp ngày càng được nâng lên.

UBND các cấp đã chú trọng chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, gắn việc xây dựng và thực hiện QCDC với việc củng cố xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh công tác CCHC ở các ngành, các địa phương, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa, đặc biệt là đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa hiện đại tại Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, huyện Ninh Phước, huyện Thuận Nam bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực và được người dân đánh giá cao.

UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện nề nếp chế độ công khai thông qua các hình thức như: họp dân, tiếp xúc cử tri, các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, qua hệ thống loa truyền thanh của xã, niêm yết văn bản tại trụ sở xã về những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND các cấp; quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm của địa phương; các chính sách về thuế; chủ trương xóa đói, giảm nghèo; các khoản trợ cấp; các loại thuế, phí, lệ phí; kế hoạch xây dựng giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm xá; các khoản nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; các thủ tục hành chính; thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng…

Tập trung đẩy mạnh việc rà soát các thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng tâm, như: Đầu tư; đất đai, xây dựng, sở hữu nhà ở, giáo dục, lao động, bảo hiểm, thuế, hải quan, xuất khẩu, nhập khẩu, y tế, tiếp cận điện năng, quản lý thị trường…nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt QCDC cũng đã góp phần nâng cao đạo đức công vụ, cải tiến lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức theo hướng ngày càng trọng dân, gần dân, sâu sát với nhân dân, hạn chế tình trạng quan liêu. Và chính điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thực hiện tốt hơn công tác CCHC.

Với những nỗ lực nêu trên, kết quả công tác CCHC của tỉnh năm 2015 được xếp hạng 25 (tăng 3 bậc so với 2014)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện QCDC và CCHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến xây dựng và thực hiện QCDC, CCHC của một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, nhất là ở cơ sở.

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có nơi còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng, thực hiện QCDC ở một số địa phương, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chưa thường xuyên, hiệu quả.

Công tác CCHC tuy đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đề ra, tình trạng gây phiền hà cho nhân dân vẫn còn diễn ra. Phong cách, lề lối làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức còn nặng về hành chính, coi nhẹ công tác giải trình, minh bạch để vận động, thuyết phục, đối thoại giải thích cho nhân dân...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhưng tập trung chủ yếu ở các nguyên nhân sau:

Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, địa phương về thực hiện QCDC và CCHC chưa đầy đủ. Công tác chỉ đạo thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp ủy Đảng ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa thường xuyên và thiếu đồng bộ.

Năng lực, trình độ chuyên môn, nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tổ chức họp dân ở một số nơi còn khó khăn, nhân dân ít tham gia sinh hoạt nên việc triển khai thực hiện QCDC chưa đạt hiệu quả cao.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC hướng đến mục tiêu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng một nền hành chính liêm chính, chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu quả; hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, đặc biệt là đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu mà Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND đề ra qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thực hiện tốt nhiệm vụ dân vận của chính quyền của tỉnh với phương châm hành động là: thượng tôn pháp luật, đột phá, sáng tạo. Trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tập trung tham mưu triển khai thực hiện các công việc trọng tâm sau:

Thứ nhất, Phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, địa phương trong việc rà soát và xây dựng kế hoạch CCHC theo đúng chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị đảm bảo đạt được các chỉ tiêu đã đề ra. Đẩy mạnh CCHC gắn với phân cấp quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ hai, tham mưu chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh CCHC, chú trọng việc công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị, địa phương về chủ trương, chính sách, pháp luật; về chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đẩy mạnh công tác phân cấp quản lý theo tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân...

Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, bảo đảm cho chính quyền các cấp thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tích cực sửa đổi lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, minh bạch, công khai hóa, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính theo tinh thần Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác, nhất là trong việc nắm chắc chủ trương, chính sách, pháp luật để giải thích cho dân rõ, gương mẫu chấp hành cho dân theo; tiếp xúc, tổ chức đối thoại với nhân dân, tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân; xây dựng và thực hành phong cách công tác “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.

Thứ năm, Tham mưu tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQVN, các tổ chức đoàn thể các cấp và nhân dân, hướng đến thực hiện tốt hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn.