Người phụ nữ bàn tay vàng

(NTO) Chúng tôi thực sự ấn tượng với nụ cười rạng rỡ niềm vui của chị Đàng Thị Hoa tại Hội thi Bàn tay vàng do HTX gốm Chăm Bàu Trúc tổ chức vào dịp đón mừng Lễ hội Katê 2016 vừa qua. Chị đã xuất sắc đoạt danh hiệu Bàn tay vàng với sản phẩm bình hoa được hoàn thành trong thời gian 15 phút. Chị Hoa là điển hình tiêu biểu trong phong trào phụ nữ nuôi con ngoan, làm kinh tế giỏi ở làng Chăm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước).

 
Chị Đàng Thị Hoa chế tác gốm mỹ nghệ Bàu Trúc.

Tận mắt chứng kiến các công đoạn chế tác gốm, chúng tôi ghi nhận sự tài hoa đầy sáng tạo trong nghề “sống với đất” của phụ nữ Chăm làng gốm Bàu Trúc. Chị Hoa đang tỉ mẩn hoàn thành bình phong thủy có dáng cây trúc thắp đèn bạch lạp trang trí trong các nhà hàng; cá chép đang bơi cong đuôi quẫy sóng nước; bình phong thủy có dáng chiếc lá. Với bàn tay khéo léo của nghệ nhân, chị Hoa đã ủ đất, nhào đất, nặn đất tạo nên hình hài sản phẩm. Sau đó, chị sử dụng những thứ tưởng chừng như “bỏ đi” như mảnh nhựa, nắp chai nhựa, nắp viết lông, nhíp cắt móng tay tạo nên đường nét sinh động cho sản phẩm. Để tạo thành vảy cá, chị dùng nắp chai nhựa ấn nhẹ lên thân cá; dùng nhíp cắt móng tay rạch tạo thành đuôi cá; dùng nắp hộp kem đánh răng tạo thành mắt cá…

Trao đổi với chị Hoa, chúng tôi được biết từ năm 13 tuổi chị đã được mẹ ruột là bà Đàng Thị Đây truyền nghề làm gốm gia dụng. Sau đó, chị chuyển sang học nghề làm gốm mỹ nghệ. Mỗi ngày, chị có thể hoàn thành mười sản phẩm gốm mỹ nghệ. Với giá cung cấp sỉ cho các cơ sở thu mua 30-50 ngàn đồng/chiếc, chị có thu nhập trung bình 250 ngàn đồng/ngày. Nhờ thu nhập từ nghề làm gốm mỹ nghệ kết hợp canh tác 3,5 sào ruộng, chị Hoa dành dụm vốn liếng xây được nhà ở khang trang và nuôi bốn người con ăn học. Trong đó, có cháu Đàng Thị Mai Thùy đang học năm thứ tư chuyên ngành Sư phạm Hóa thuộc Trường Đại học Đồng Tháp và 3 cháu đang học phổ thông tại địa phương.

“Tôi rất vui khi nhận được giải thưởng Bàn tay vàng gốm Chăm Bàu Trúc do Ban tổ chức hội thi trao tặng. Với phần thưởng này đã động viên tôi tiếp tục lao động làm ra nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ bảo đảm chất lượng, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của làng nghề”-chị Đàng Thị Hoa bộc bạch niềm vui.