Giải pháp giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng thủy sản

(NTO) Theo kế hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm nay, toàn tỉnh thả nuôi tôm với diện tích 950ha, thu hoạch 7.000 tấn tôm thương phẩm và sản xuất 20 tỷ con tôm giống (5 tỷ tôm sú giống và 15 tỷ tôm thẻ chân trắng), 100 triệu con giống thủy sản khác. Ngoài ra còn phấn đấu thả nuôi diện tích 400ha cá nước ngọt (sản lượng thu hoạch đạt 500 tấn) và 130ha đối tượng nuôi hải đặc sản khác (250 tấn).

Tính đến đầu tháng 10, theo Chi cục Thủy sản tỉnh, đã có tổng diện tích khoảng 586,4ha ao đìa thả nuôi tôm thịt, trong đó có 565,4ha tôm thẻ chân trắng và 21ha tôm sú; qua thu hoạch đã cho sản lượng 3.379,7 tấn (bao gồm 39,7 tấn tôm sú và 3.340 tấn tôm thẻ chân trắng). Như vậy về quy mô sản xuất, diện tích thả nuôi mới đạt 61,72% kế hoạch năm và bằng 83,77% so với cùng kỳ; việc thu hoạch tôm thương phẩm cũng chỉ mới đạt 48,28% kế hoạch năm và chỉ bằng 71,15% so với cùng thời điểm năm ngoái. Điều đáng nói là tuy diện tích tôm bệnh chỉ chiếm 6% diện tích thả nuôi, nhưng người nuôi không mạnh dạn đầu tư mới do tỷ lệ nuôi thương phẩm thành công thấp, vì vậy có khả năng đến cuối năm diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch sẽ không đạt như kế hoạch đề ra. Anh Phạm Duy Linh (thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, Thuận Nam) có 2,3ha (9 ao) nuôi tôm, cho biết: Vừa qua vì giá thấp lãi ít, nên quanh vùng nhiều người ngừng nuôi để cải tạo ao đìa.

 
Mô hình nuôi ốc hương trên cát thay dần các đìa tôm tại thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, Thuận Nam).

Về sản xuất giống thủy sản, cho đến hết tháng 9, toàn tỉnh đã sản xuất được 17,15 tỷ con tôm giống (3,9 tỷ tôm sú giống và 13,25 tỷ tôm thẻ giống), tức đã đạt 85,8% kế hoạch năm, chưa kể còn sản xuất 123 triệu con ốc hương giống. Từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8, nhu cầu tôm giống tăng cao, giá bán duy trì ở mức cao nên hầu hết các cơ sở tôm giống hoạt động hết công suất đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng hiện nhu cầu tôm giống thấp, giá bán giảm, lưu thông chậm làm một số cơ sở phải xuất bán theo dạng “hàng chợ” nên hiệu quả kinh tế không đáng kể. Với nhu cầu tôm giống giảm dần, dự kiến đến cuối năm, sản lượng tôm giống tỉnh ta khó đạt theo kế hoạch đề ra cho năm nay. Anh Phạm Bá Châu, Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Châu Á (xã Nhơn Hải, Ninh Hải), chia sẻ: Diện tích thả nuôi tôm thương phẩm thấp nên nhu cầu tôm giống thấp theo, đặc biệt là các tỉnh miền Tây giảm nuôi nên tiêu thụ giống của chúng tôi còn ảm đạm hơn năm ngoái.

Tuy nhiên trong khi hoạt động nuôi tôm thương phẩm và sản xuất tôm giống gặp khó khăn, nhiều hộ nuôi đã chuyển đổi sang một số đối tượng, phương thức nuôi mới đạt được kết quả khả quan. Trước hết là ốc hương, với diện tích nuôi 62,9ha trong toàn tỉnh (cả năm ngoái chỉ có 29ha), tập trung ở Ninh Hải và Thuận Nam, trong đó có khoảng trên 45ha nuôi trên cát trải bạt tại vùng nuôi tôm Từ Thiện, Bắc Sơn Hải (xã Phước Dinh) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện sản lượng ốc hương thu hoạch đạt khoảng 719,5 tấn, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015; cho nên được coi là đối tượng nuôi triển vọng mà các hộ nuôi tôm thương phẩm thất bại chọn chuyển đổi. Tương tự, cá bớp nuôi lồng bè tại vùng Mỹ Tân (xã Thanh Hải, Ninh Hải), Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Phước Dinh, Cà Ná (Thuận Nam) cũng có tốc độ phát triển nhanh, sản lượng thu hoạch khoảng 32 tấn, có giá bán ổn định và hiệu quả kinh tế cao. Hàu, cua, ghẹ được nuôi với diện tích khỏang 45ha tập trung tại vùng đầm Nại (Ninh Hải) với hình thức nuôi quảng canh cải tiến, đánh tỉa thả bù, qua thu hoạch cho sản lượng 50 tấn hàu và 7 tấn cua, ghẹ, cũng là đối tượng nuôi được quan tâm. Tại xã Tri Hải và Hộ Hải (Ninh Hải), nhiều hộ nông dân tận dụng ao đìa không thích hợp nuôi tôm để thả nuôi cá mú với diện tích 10ha, thu hoạch 6 tấn, với giá bán dao động từ 180.000-240.000 đồng/kg, hầu hết người nuôi đều có lãi.

Từ thực tế khó khăn trong nuôi tôm thương phẩm, sản xuất giống và từ chuyển đổi nuôi thành công các đối tượng hải đặc sản trong thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến khích việc đa dạng đối tượng nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro, đồng thời định hướng người nuôi tập trung đầu tư phát triển sản xuất NTTS theo chiều sâu, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, hướng đến ổn định diện tích thả nuôi tôm thương phẩm và tăng năng suất thu hoạch. Theo đó từ nay đến cuối năm, Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động NTTS trên địa bàn tỉnh (bao gồm: diện tích, quy mô lồng bè, tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản), chú trọng tìm hiểu và nhân rộng các mô hình nuôi tôm thành công. Đối với sản xuất giống thủy sản, triển khai công tác xét nghiệm nhằm hỗ trợ công tác quản lý giống thủy sản; kiểm tra chất lượng tôm bố mẹ nhập khẩu, chú trọng đầu tư phát triển công nghệ mới theo hướng sản xuất con giống sạch bệnh, chất lượng cao, tiếp tục khẳng định uy tín về chất lượng giống TS tỉnh nhà.