Đảng bộ huyện Bác Ái: Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế miền núi

(NTO) Đảng bộ huyện Bác Ái đang tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế miền núi tạo chuyển biến tích cực. Trong đó sản xuất nông, lâm nghiệp là lĩnh vực được quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.

Phát huy thế mạnh lâm nghiệp, Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo các xã trồng rừng phủ xanh đồi trọc. Nếu như trước đây, nguồn lợi từ rừng mang lại cho người dân chủ yếu từ chương trình giao rừng khoán quản, thì đến nay việc Đảng bộ huyện lãnh đạo đưa cây keo lai vào trồng đã tăng thêm nguồn thu đáng kể. Câu chuyện bắt đầu từ Phước Thành là xã đi đầu trong trồng cây keo lai trên đồi dốc, hiện có khoảng 300ha đến kỳ khai thác. Năm 2011, anh Chamaléa Xuân, thôn Đá Ba Cái, chuyển 3ha điều lâu năm già cỗi sang trồng keo lai, nay khai thác bán cho nhà máy chế biến nguyên liệu giấy ở Khánh Hòa giá 1,8 triệu đồng/tấn, tính ra trồng 1ha thu lãi 50 triệu đồng/năm. Nhận thấy trồng keo lai mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đang dần chuyển những cây kém hiệu quả sang trồng loại cây này, đầu mùa mưa năm nay có gần 50 hộ đăng ký trồng keo lai.

 
Đảng bộ huyện Bác Ái lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đồng chí Phạm Văn Hoa, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, để phong trào trồng keo lai phát triển rộng khắp trên địa bàn, Đảng bộ huyện lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân miền núi phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, huyện đã hỗ trợ các hộ dân trồng keo lai với mức 3 triệu đồng/ha để mua giống và phân bón, do đó không riêng gì Phước Thành mà một số xã khác cũng đang vận động bà con trồng cây keo lai, mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Phát huy thế mạnh về địa hình, huyện xác định chăn nuôi là kinh tế mũi nhọn. Nổi bật là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng công nghiệp, nhân rộng mô hình trang trại, gia trại, gắn với kinh tế đồi vườn, áp dụng khoa học-kỹ thuật mới. Hiện nay, chăn nuôi ở Bác Ái tăng cả về quy mô và chất lượng sản phẩm. Chỉ tính riêng nuôi heo, toàn huyện có 8 trang trại, số lượng hàng ngàn con. Hình thức nuôi heo gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với ưu điểm không phải đầu tư vốn mua thức ăn, giống, đầu ra doanh nghiệp bao tiêu là hướng đi thích hợp với điều kiện kinh tế khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp nhiều hộ mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Chọn hướng đi đúng, gần đây chăn nuôi ở huyện Bác Ái có bước phát triển vượt bậc, giá trị sản xuất chiếm 35% trong ngành Nông nghiệp.

Việc lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng tạo được bước phát triển mới về sản xuất nông nghiệp. Chính từ chú trọng lồng ghép các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình chuyển giao khoa học-công nghệ đã nâng cao nhận thức của người dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đầu tư thâm canh, từng bước tạo nên các khu vực sản xuất hàng hóa. Điểm nổi bật là, ngoài phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về cơ sở giúp dân xây dựng các vùng chuyên canh mía, chuối, bắp lai, mỳ cao sản ở Phước Tân, Phước Thành, Phước Bình quy mô hàng trăm ha trước đây, thì hiện nay Đảng bộ huyện còn lãnh đạo có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Có về xã Phước Chính, Phước Đại-những địa phương được hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây đậu xanh trên đất cạn trong vụ hè-thu vừa qua, mới biết Bác Ái đã vận dụng linh hoạt các chủ trương, nghị quyết cấp trên phù hợp với tình hình thực tế ở từng vùng, từng xã. Để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, chủ trương nhất quán của Đảng bộ huyện là không hỗ trợ thực hiện mô hình một cách dàn trải, mà tập trung những nơi đủ điều kiện để phát triển ổn định lâu dài, nên đã tạo được những cánh đồng đậu xanh quy mô khá lớn. Vùng chuyển đổi cây đậu xanh trong vụ hè-thu 2016 tập trung ở 3 xã: Phước Đại, Phước Chính, Phước Trung là minh chứng cho cách làm sáng tạo.

Đồng chí Phạm Văn Hoa chia sẻ: Đạt được kết quả trong lãnh đạo phát triển kinh tế miền núi, Đảng bộ huyện xác định rõ những khó khăn, thuận lợi, tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế miền núi, trong đó phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, chương trình, dự án để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.