Tp. Phan Rang - Tháp Chàm: Bất cập từ chương trình học 2 buổi/ngày

(NTO) Năm học 2016-2017, ở bậc Tiểu học (TH), Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có 22/30 trường tổ chức chương trình học 2 buổi/ngày, với 184 lớp, hơn 4.400 học sinh (HS), tăng 29 lớp so với năm học trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là do nhà trường không tổ chức được bán trú nên việc học 2 buổi/ngày gây nhiều khó khăn cho phụ huynh, cũng như ảnh hưởng đến việc học tập của HS.

Tất bật đưa đón con đến trường

Hơn 1 tháng kể từ khi con trai bước vào năm học mới, chị N.T.L. (phường Thanh Sơn, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) hầu như lúc nào cũng tất bật với công việc đưa đón con đi học. Chị L. tâm sự: Tôi gần như “đuối” với lịch học 2 buổi/ngày của con. Năm học này, cháu lên lớp 2, Trường TH Mỹ Hương. Buổi sáng, 6 giờ 45 phút cháu vào lớp, đến 10 giờ 15 phút tan học, công việc cơ quan rất bận rộn nhưng đến 10 giờ phải gác lại để đi đón con. Nhiều lúc việc cơ quan nhiều quá, gần 12 giờ trưa mới đưa con về nhà, thời gian cháu được nghỉ ngơi rất ít. Vào buổi chiều, 13 giờ 45 phút cháu vào lớp, trong khi đó mình là công chức, 1 giờ 30 phút đã phải có mặt ở cơ quan, lại phải chở con đi học sớm; đến 16 giờ dù chưa hết giờ làm việc lại phải đến trường đón con. Là công chức nhà nước, ngày nào cũng vi phạm giờ hành chính vừa sợ, vừa ngại; lo lắng nhất là vào đầu giờ chiều đưa con đi học quá sớm, lúc này chưa có giáo viên quản lý, trường vắng người, đi làm cứ lo nơm nớp không biết con mình có được an toàn hay không. Giá như trường tổ chức học bán trú cho HS thì rất tốt…

 
Giờ ăn trưa của học sinh bán trú Trường TH Đài Sơn.

Không chỉ phụ huynh “khổ”, việc học tập của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Cô giáo Đào Thị Phương Nga, Hiệu trưởng Trường TH Đô Vinh 3, cho biết: Do bận rộn công việc, nhiều phụ huynh đưa đón con không đúng giờ, quá sớm hoặc quá trễ, để bé chơi một mình trên sân trường rất không an toàn. Vào đầu giờ chiều, trẻ hiếu động chạy nhảy mồ hôi nhễ nhại, áo quần xộc xệch, cơ thể mệt mỏi nên khi vào lớp không tiếp thu bài tốt… Và khi được hỏi, hầu hết các bậc phụ huynh đều có cùng câu trả lời là mong muốn nhà trường tổ chức học bán trú cho HS.

Khó khăn trong việc tổ chức học bán trú

Trong số 22 trường tổ chức chương trình học 2 buổi/ngày, hiện chỉ có duy nhất Trường TH Đài Sơn có tổ chức học bán trú. Tuy nhiên, nếu áp vào các tiêu chuẩn của trường bán trú thì nhà trường chưa đạt yêu cầu và trên thực tế đến nay nhà trường cũng chưa được công nhận là trường bán trú. Cô giáo Nguyễn Thái Vân Anh, Hiệu trưởng Trường TH Đài Sơn, cho biết: Từ năm 2007, nhà trường bắt đầu thực hiện mô hình thí điểm học bán trú. Ban đầu, bếp ăn của trường được thiết kế để phục vụ cho khoảng 150 HS, nhưng càng ngày số phụ huynh đăng ký cho con em mình học bán trú ngày càng nhiều dẫn đến quá tải. Năm học này, nhà trường cố gắng lắm mới sắp xếp được cho hơn 250 HS học bán trú, ăn trưa tại trường, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của phụ huynh.

Do chưa xây dựng được phòng nghỉ trưa nên sau khi cho HS ăn xong, các cô giáo phải xếp bàn học lại hoặc lau sàn phòng học trải chiếu cho các em ngủ trưa, rất bất tiện. Vì chưa được công nhận là trường bán trú nên nhà trường gặp không ít khó khăn, cụ thể là không được cấp trên hướng dẫn thực hiện quy định về trường bán trú, cũng không được hưởng bất cứ chế độ đặc thù nào. Mọi chi phí bán trú như: chi phí bữa ăn, tiền điện, nước, hợp đồng đầu bếp… đều do nhà trường tự tính toán, sau đó thỏa thuận với phụ huynh HS chi trả.

Để giải quyết bất tiện trong việc đưa đón con đến trường, hiện nhiều phụ huynh chọn giải pháp “thuê” cô giáo đưa con về nhà cô giáo cho ăn uống, nghỉ ngơi vào buổi trưa, đến đầu giờ chiều lại đưa trẻ đến trường học. Tuy nhiên, với giải pháp này, nhiều bậc phụ huynh cũng chưa thực sự an tâm vì không thể thường xuyên quản lý, theo dõi để biết được trong khoảng hơn 3 tiếng nghỉ trưa đó, con mình ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt như thế nào?

Trao đổi về những bất cập trong việc thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày, bà Trần Thị Hường, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: Theo Thông tư 59/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 28-12-2012 ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường TH đạt mức chất lượng tối thiểu, trường TH đạt chuẩn quốc gia thì trường muốn đạt tiêu chuẩn quốc gia giai đoạn 1 phải có ít nhất 50% HS học 2 buổi/ngày và hàng năm phải có kế hoạch để tăng số lượng HS học 2 buổi/ngày. Đây chính là lý do nhiều trường buộc phải duy trì và tăng số lớp học 2 buổi/ngày hằng năm. Yêu cầu, mục tiêu đặt ra ngày càng cao, trong khi đó việc đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp không theo kịp nên việc tổ chức học bán trú cho HS là hết sức khó khăn, dẫn đến việc bất tiện cho phụ huynh cũng như ảnh hưởng chất lượng giáo dục.

Học 2 buổi/ngày được xem là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở bậc TH, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho HS. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu này, thiết nghĩ ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cần kiến nghị các cấp, các ngành chức năng xem xét, có hướng đầu tư thỏa đáng, đáp ứng cơ sở vật chất và điều kiện để chuyển đổi các trường TH dạy học chương trình 2 buổi/ngày thành trường bán trú, đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh và HS trên địa bàn.