VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp!

(NTO) Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước đột phá quan trọng, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế- xã hội cũng như công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. “Chìa khóa” để mở “cánh cửa” thành công bước đầu này là nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp nói chung. Cụ thể như, trong sản xuất nông nghiệp đến nay toàn tỉnh đã có trên 8.000 ha lúa sản xuất theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, góp phần giảm đáng kể chi phí “đầu vào” nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 30% so với sản xuất “truyền thống”. Ngoài ra, nhiều nông hộ còn ứng dụng các kỹ thuật như phòng trừ dịch hại tổng hợp, ứng dụng “3 giảm, 3 tăng” trên cây trồng…mang lại hiệu quả cao cả về năng suất, chất lượng, đồng thời bảo vệ môi trường. Về thủy sản, đã hình thành những vùng sản xuất với quy mô thương mại các loại giống thủy sản đạt chất lượng. Riêng tôm giống hàng năm cung cấp cho thị trường 20 - 24 tỷ con/năm, (chỉ tính qua 9 tháng năm nay đã xuất bán trên 16 tỷ con, tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước); hình thành những vùng sản xuất thâm canh tập trung giống lúa, bắp lai…với sản lượng từ 10-12 ngàn tấn lúa giống và 1-2 ngàn tấn bắp giống trên năm…

Nông dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm giống. Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, thực tế sản xuất nông nghiệp thời gian qua cho thấy, việc ứng dụng và chuyển giao CNC vào sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được chuỗi sản xuất như giống, quy trình canh tác, công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là những sản phẩm đặc thù của tỉnh; trình độ kỹ thuật sản xuất và công nghệ sau thu hoạch còn thấp, dẫn đến việc nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị trong từng sản phẩm chưa cao; dịch vụ CNC phục vụ nông nghiệp chậm phát triển. Nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách còn là “điểm nghẽn” nên chưa thực sự là động lực tạo chuyển biến trong ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp...

Nông nghiệp ứng dụng CNC đang là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp bền vững, vừa qua Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05- NQ/TU “Về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng CNC vào sản xuất nông nghiệp” với mục tiêu: Ứng dụng và chuyển giao CNC vào một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phục vụ tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Theo đó, Nghị quyết đề ra các chỉ tiêu cụ thể như: Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 20%- 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh vào năm 2020. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp CNC trung bình phải đạt từ 300 triệu đồng trở lên vào năm 2020. Hỗ trợ, tạo điều kiện để hình thành tại tỉnh từ 2-3 doanh nghiệp phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC.

Để Nghị quyết nhanh chóng phát huy trong thực tiễn sản xuất và đời sống, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh, vấn đề đặt ra là cần có sự hỗ trợ đầu tư hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; nghiên cứu chọn tạo các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng tiếp cận, vận hành và ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất và quản lý. Bên cạnh đó, cần chú trọng chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ giống, công nghệ bảo quản - chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trang trại, các HTX mở mang ngành nghề ở nông thôn. Khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo cho nông nghiệp phát triển với trình độ cao và bền vững...