Quốc hội nghe các báo cáo của Chính phủ

Trong phiên họp toàn thể tại Hội trường của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào chiều 20-10, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra kế hoạch tài chính 5 năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015).

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017. Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, theo báo cáo của Chính phủ được trình bày tại phiên họp, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020” đã đặt ra 4 định hướng tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020, bao gồm: Duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định; thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế (tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp, tái cơ cấu hệ thống tài chính-ngân hàng); đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành sản xuất và dịch vụ, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế; tiếp tục tái cơ cấu, xây dựng và phát triển cơ cấu vùng kinh tế hợp lý.

Quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 theo 4 định hướng nêu trên đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Về mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020: Cụ thể, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và bảo đảm tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.

Từ mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ được đề ra là: Từng bước để cơ chế thị trường giữ vai trò chủ yếu trong phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.Từng bước củng cố nội lực của nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.

Tờ trình cũng nêu lên Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; tác động dự kiến của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; việc tổ chức thực hiện…

Báo cáo thẩm tra về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 khẳng định nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các mục tiêu trong Đề án tổng thể tái cơ cấu 2013-2020, khắc phục hạn chế trong thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu thời gian qua và đáp ứng yêu cầu nêu trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 86 của Quốc hội cũng như bối cảnh mới. Đồng thời, nêu lên những ý kiến cụ thể về các vấn đề liên quan đến quan điểm, mục tiêu và chỉ tiêu tái cơ cấu; kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế; nguồn lực và phương thức huy động, tổ chức thực hiện…

Về báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm, Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khẳng định thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân các mặt hạn chế của việc thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước 5 năm (2011-2015). Đồng thời, Báo cáo cũng nêu lên những vấn đề cụ thể liên quan đến Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó về các giải pháp cơ bản, Ủy ban cơ bản tán thành với nhiều nhóm giải pháp thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm đề ra trong Báo cáo của Chính phủ và nhấn mạnh thêm một số giải pháp như: Cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp về quản lý ngân sách nhà nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế; quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ bội chi; đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng tái cơ cấu đầu tư công; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nêu rõ mục tiêu đầu tư giai đoạn 2016-2020 là: Thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020).

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cũng nêu lên những nhóm giải pháp lớn, trong đó có huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Thu hút tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020). Tăng cường quản lý đầu tư công, trong đó có tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cơ bản tán thành với những nhận định về thuận lợi, khó khăn, thách thức trong huy động, quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 được thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, Chính phủ cần tính đến các phương án, có kịch bản cụ thể, khả thi, bảo đảm huy động đủ nguồn lực cho đầu tư song hạn mức vay nợ không được vượt ngưỡng cho phép; sát sao trong điều hành để khắc phục yếu kém, hạn chế trong sử dụng vốn vay; có giải pháp cơ cấu lại nợ; bảo đảm ổn định các chỉ số vĩ mô về nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

Ngoài ra, Báo cáo cũng có các ý kiến cụ thể liên quan đến các chỉ tiêu giới hạn nợ; phát hành vốn trái phiếu Chính phủ; sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ và dự báo nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ...

Về giải pháp, Ủy ban cơ bản đồng tình với các giải pháp thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời lưu ý Chính phủ một số nội dung như: Việc phân bổ vốn vay cần căn cứ vào kế hoạch, chiến lược phát triển, tuân thủ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đã được xác lập, tạo căn cứ cho việc điều chỉnh, cắt giảm đầu tư để giữ vững chỉ tiêu giới hạn nợ trong trường hợp các chỉ số vĩ mô không đạt kế hoạch đề ra. Việc phê duyệt các công trình, dự án sử dụng vốn vay cần được xem xét thận trọng hơn trên cơ sở giới hạn mức vay nợ, cân nhắc tính cấp thiết, hiệu quả của từng công trình, dự án. Cần kiểm soát các khoản nợ tiềm ẩn phát sinh từ nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ chuyển thành nợ công...

Nguồn: chinhphu.vn