CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

“Níu chân” du khách… không dễ!

Mấy năm gần đây anh bạn tôi đã tự hình thành “thói quen” là cứ vào dịp Katê là gác lại mọi chuyện làm ăn để từ TP.Hồ Chí Minh về Ninh Thuận- mà như anh nói- chủ yếu là vừa thăm bè bạn cũ, vừa “sáng tác” ảnh về lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn này, mặc dù chỉ để dành làm kỷ niệm chơi thôi!. Rong chơi, thăm thú, ghi lại hình ảnh đổi mới ở một số làng Chăm, sự hào hứng của đông đảo người dân “bản địa” cũng như du khách trước những nghi lễ rước y trang tại các đền, tháp; phong tục cúng đền ơn đa dạng sắc màu của người dân Chăm tại tháp Pôklong Garai... luôn là “chủ đề” anh chọn. Tuy mùa lễ hội năm nào cũng vậy-nhưng chỉ với người địa phương như tôi- còn với anh bạn tôi nói riêng, du khách nói chung đều có cảm nhận khác, tươi mới hơn theo “lũy tiến” của thời gian.

Vì sao vậy?. Anh bạn tôi lý giải:

- Đối với du khách, sức hấp dẫn của mỗi vùng miền tùy thuộc vào những nét văn hóa đặc sắc riêng có mà mỗi lần tham dự lại thích tự mình khám phá ở mỗi góc độ khác nhau. Tất nhiên là phải có những hiểu biết nhất định về văn hóa vùng miền thông qua các kênh thông tin. Katê của đồng bào Chăm Ninh Thuận là nét văn hóa quá đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân gian là một minh chứng. Chỉ có điều, cần phải có những gợi mở cần thiết của người làm văn hóa địa phương thông qua một số chỉ dẫn để tạo sự thôi thúc tìm hiểu cho du khách...- Đây là mấu chốt để “níu chân” du khách trở lại nếu đã có dịp tìm về. Anh bạn tôi nói như là chuyên gia du lịch không bằng!.

Ninh Thuận năm nay như mang dáng dấp mới, dáng dấp của sự phát triển thông qua “làn sóng” đầu tư mới của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đặt nền móng để thực hiện đầu tư các dự án mà tỉnh đã kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhất là sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh vừa tổ chức. Lễ hội Nho và Vang tổ chức lần thứ hai này cũng là một nét mới, bởi lẽ sau gần 3 năm chịu tác động của hạn hán, khó khăn là vậy nhưng nhiều vùng, miền vẫn ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội... Sự “trỗi dậy” này được ví như sự vững chãi của cây nho-giống cây đặc sản tồn tại và vươn cao trên vùng đất nắng để mang đến trái ngọt cho người trồng nói riêng, cho đời nói chung. Đây còn được coi như sự “trả ơn” từ đất đối với người trồng vốn dày công nâng niu, chăm bón... Anh bạn tôi nói thêm.

Hóa ra, không ngờ những du khách như anh bạn tôi lại hiểu rõ đất và người Ninh Thuận cũng như sự phát triển của tỉnh lại “sâu sắc” đến vậy. Tôi “ngộ” ra rằng: Lâu nay cứ nghĩ du khách chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” cho thỏa sự tò mò là chính, hơn thế nữa cũng chỉ là sự khám phá hay trải nghiệm… mà không nghĩ rằng du khách mới là người “đánh giá” khách quan nhất về môi trường du lịch của địa phương, trong khi ngược lại người “cận cảnh” thường khó nhận ra!. Nói lên điều này để thấy rằng đối với tỉnh còn nhiều việc phải làm mới thực sự thu hút du khách và đưa ngành “công nghiệp không khói” này thực sự là thế mạnh kinh tế của tỉnh trong tương lai.