Cơm thừa

(NTO) Từ ngày mẹ lên sống với vợ chồng tôi thì gia đình tôi trở nên ngăn nắp, gọn gàng. “Nàng công chúa tý hon” của vợ chồng tôi cũng tươm tất, sạch sẽ hơn.

Khi chưa có mẹ lên ở cùng, vợ chồng tôi bận tối mặt, tối mũi. Buổi sáng, phải dậy từ mờ sáng, người lo nấu ăn sáng, người dọn dẹp nhà cửa, phơi phóng quần áo, cả hai vợ chồng chẳng khác nào cái chong chóng mà vẫn không hết việc. Chiều về, người đón con, người đi chợ nấu ăn, khi ngồi vào bàn ăn thì đồng hồ đã điểm hai mươi giờ. Từ khi có mẹ, mọi việc trong nhà bà đều làm chu tất, đứa con gái nhỏ của vợ chồng tôi có thêm bà, nó vui hơn.

Mỗi lần nấu cơm, tôi thường nấu nhiều, ăn không hết thì cho vào thùng rác, thấy vậy mẹ nói: “Hạt cơm là hạt ngọc, các con không nên phí phạm như thế, nhà mình ăn bao nhiêu thì nấu bấy nhiêu. Người xưa dạy: “Giàu mà không biết tiết kiệm thì sớm muộn gì cũng trắng tay”. Vậy nên mẹ có ý kiến thế này, nếu cơm thừa buổi tối các con đừng đổ đi, sáng mai mẹ dậy sớm sẽ hấp bằng lò vi sóng, mẹ con mình ăn sáng”. Nghe vậy, vợ tôi nói: “Mẹ ơi! Mấy hạt cơm thừa có đáng là bao mà mẹ phải vất vả như vậy. Giá gạo ngày nay rẻ lắm chứ không như cái thời của mẹ đâu”. Mẹ cười: “Thì cứ để mẹ làm thử, nếu các con cảm thấy ăn không ngon thì thôi”. Tối hôm đó, cơm dư ra mẹ cho vào tô cất vào trong tủ. Sáng mai mẹ dậy sớm bật lò vi sóng hấp cơm, nấu canh và chiên trứng. Mẹ gọi vợ chồng tôi dậy ăn cơm. Nhìn tô cơm nóng hổi với dĩa trứng chiên cùng bát canh thơm lừng, vợ tôi ăn khen ngon và cũng từ đó, cơm thừa mỗi buổi tối lại thành một bữa sáng ngon miệng mà chắc bụng.

Trước đây một tháng nhà tôi dùng hết một bao gạo 20kg, nhưng nay nhờ sự trân trọng từng hạt cơm thừa của mẹ mà giúp vợ chồng tôi tiết kiệm, tránh được lãng phí. Vợ chồng tôi luôn nhớ câu mẹ dặn: “Tích tiểu thành đại các con ạ!”