Tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu lao động

(NTO) Với chủ trương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh hoạt động này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thời gian qua, số lao động (LĐ) làm việc có thời hạn ở nước ngoài chưa đạt kết quả mong muốn.

Thuận Bắc là một trong những địa phương có số lượng XKLĐ đạt thấp nhất trong thời gian qua. Theo thống kê, trong 5 năm, từ 2011-2015, huyện mới đưa được 45 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, đạt khoảng 60% chỉ tiêu giao. Riêng trong năm 2016, chỉ tiêu của huyện phấn đấu đưa 15 LĐ đi XKLĐ nhưng cho tới thời điểm hiện nay chỉ duy nhất có 1 trường hợp. Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Mặc dù huyện đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác XKLĐ, cùng với các chế độ, chính sách của Nhà nước trong công tác này nhưng phải thừa nhận công tác XKLĐ trên địa bàn huyện còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác tuyên truyền trong cán bộ và người LĐ chưa được thường xuyên, dẫn đến nhận thức về công tác XKLĐ còn hạn chế; một số trường hợp đi làm việc ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn vì lý do sức khỏe đã làm ảnh hưởng tâm lý của LĐ địa phương có ý định XKLĐ. Ngoài ra chi phí XKLĐ cũng là một rào cản lớn đối với nhiều LĐ có kinh tế khó khăn trên địa bàn; thời gian, thủ tục hồ sơ kéo dài dẫn đến người LĐ thay đổi ý định XKLĐ…

 
Công tác tư vấn xuất khẩu lao động. Ảnh: Thế Quang

Tại huyện Ninh Sơn, công tác XKLĐ tuy có khả quan hơn nhưng vẫn khó hoàn thành chỉ tiêu trong năm. Từ đầu năm đến nay, huyện đã đưa được 7 LĐ đi XKLĐ tại Nhật Bản trong 15 chỉ tiêu được giao trong năm 2016. Tại hội nghị tư vấn XKLĐ tại huyện vừa qua, lãnh đạo huyện Ninh Sơn cùng Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm, 2 công ty có chức năng đưa LĐ đi XKLĐ ở nước ngoài và các ngân hàng trên địa bàn đã giải đáp nhiều khó khăn, vướng mắc của người LĐ liên quan tới vấn đề: vốn, thủ tục, các điều kiện XKLĐ… Đồng chí Võ Đình Vinh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để đẩy mạnh công tác XKLĐ, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo công tác đào tạo nghề và XKLĐ, đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn; tổ chức nhiều buổi tư vấn về XKLĐ và tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đặc biệt đã có nhiều LĐ đi XKLĐ về địa phương đã có số vốn lớn để đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tâm lý e dè, ngại đi xa của phần lớn LĐ địa phương. Mặt khác, do LĐ chưa có tay nghề cao nên chỉ có thể tham gia những thị trường có thu nhập không cao, còn những thị trường có thu nhập cao thì chi phí xuất cảnh và các điều kiện tham gia đều đòi hỏi cao.

Đồng chí Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Để tạo động lực cho người LĐ tham gia XKLĐ, về phía Trung ương và tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác XKLĐ. Đặc biệt trong năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 61 quy định về chính sách, hỗ trợ, tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, trong đó quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ người LĐ làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định nêu rõ, người LĐ là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của những người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ về chi phí ban đầu và hỗ trợ chi phí dịch vụ (thông qua cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội). Đây là cơ hội đối với những LĐ nằm trong diện ưu tiên có nhu cầu tham gia XKLĐ.

Năm 2016, tỉnh ta phấn đấu đưa 120 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cho đến thời điểm này đã có 53 LĐ đi XKLĐ, hiện còn 19 LĐ đang học và chờ để đi XKLĐ. Đồng chí Lê Văn Minh cho biết thêm: Chỉ tiêu XKLĐ trong năm 2016 tuy khó hoàn thành nhưng với quyết tâm cao nhất, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về lợi ích của XKLĐ, trong đó chú trọng đến công tác tư vấn, định hướng cho người LĐ có nhu cầu tham gia XKLĐ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tuyển dụng để tạo điều kiện tốt nhất cho LĐ tỉnh ta tham gia XKLĐ.

Có thể nói, hoạt động XKLĐ thời gian qua đã giúp cho nhiều LĐ trên địa bàn tỉnh có việc làm, tăng thu nhập và nâng cao trình độ của người LĐ, là giải pháp hữu hiệu để xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên để công tác này mang lại hiệu quả, cần sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, địa phương và trên hết là nhận thức từ phía người LĐ, có như vậy XKLĐ mới thực sự là kênh giải quyết việc làm hữu hiệu, góp phần xóa đói, giảm nghèo từ bây giờ và những năm tiếp theo.

Để đẩy mạnh công tác XKLĐ trên địa bàn nhằm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Văn bản số 2908/UBND-KGVX về tăng cường chỉ đạo công tác XKLĐ những tháng cuối năm 2016.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bí thư các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các huyện, thành phố nỗ lực, quyết tâm, tập trung các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác XKLĐ trên địa bàn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác XKLĐ tại địa phương mình. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và đề ra các giải pháp thật cụ thể thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra và xem đây là chỉ tiêu để xem xét, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương và đơn vị.

Xuân Bính