Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường

Ngày 24/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì hội nghị.

Tham dự có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, các vi phạm pháp luật về môi trường bùng phát, xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân, gây bất ổn xã hội. Nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều vùng, nhiều lĩnh vực. Ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn… “Thực trạng trên làm chúng ta phải thay đổi tư duy phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, vấn đề này trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp tập trung chỉ đạo nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, thực trạng ô nhiễm môi trường, những yếu kém, thách thức vẫn hiện hữu, chưa có biện pháp giải quyết tập trung ở mọi cấp, mọi ngành, nhất là các địa phương đang là cơ quan quản lý, cấp giấy phép trực tiếp các dự án đầu tư, xây dựng và quản lý lưu vực sông.

Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào một số vấn đề về công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, phải đánh giá thực chất tình trạng ô nhiễm môi trường trong một số lĩnh vực để nhận diện rõ hơn; nhìn nhận hạn chế, yếu kém về công tác quản lý Nhà nước dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận các khó khăn, thách thức đối với nước ta trong bảo vệ môi trường như về kinh phí, trình độ khoa học công nghệ…

Theo Thủ tướng, đất nước đang phát triển, áp lực về môi trường rất lớn nên chúng ta phải làm rõ quan điểm, giải pháp cả trước mắt và lâu dài về xử lý vấn đề môi trường. Tinh thần là tuân thủ đúng luật bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Thủ tướng đề nghị, cần làm rõ thực trạng hiện nay, làm rõ những yếu kém về quản lý Nhà nước dẫn đến thực trạng ô nhiễm môi trường, nhất là những yếu kém trong hệ thống, của các Bộ, ngành và địa phương. “Phải phân công trách nhiệm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, rõ địa chỉ, không được “cha chung không ai khóc”", Thủ tướng nêu rõ. Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ có chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ những giải pháp, chế tài thực hiện.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, cả nước có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khu vực FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, khai thác và tận thu khoáng sản...

Theo Bộ trưởng, còn quá nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý và các vấn đề môi trường; thiếu cơ chế, tiêu chí về môi trường để sàng lọc hiệu quả các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, các dự án đầu tư vào khu vực nhạy cảm về môi trường; thiếu cơ chế thúc đẩy khu vực kinh tế xanh, đầu tư vào các loại hình sản xuất thân thiện với môi trường; năng lực quan trắc, cảnh báo, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về môi trường, các sự cố môi trường còn nhiều hạn chế…

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân là do tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế thu hút dự án FDI bằng mọi giá, đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường. Trong khi đó, Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác trong quá trình thu hút nguồn vốn này. Chính vì vậy, FDI đã gây nên những tác hại rất lớn về môi trường. Một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men... Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng và lao động nhằm tối đa hóa lợi nhuận...

Rút kinh nghiệm từ những vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bộ trưởng cho rằng, việc đầu tiên phải khẩn trương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với quy hoạch môi trường. Xây dựng và ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường, trong đó có các quy định về cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương bảo đảm nguyên tắc Trung ương chỉ đạo thống nhất và địa phương xây dựng năng lực tự ứng phó theo phương châm 3 tại chỗ đã được xây dựng trong phòng, chống thiên tai. Đồng thời, ban hành hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, trong đó có các quy định về cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường...

Nguồn www.dangcongsan.vn