Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Ngày 21/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, phục vụ phát triển và hội nhập”. Hội nghị được tổ chức 2 năm một lần với sự tham gia của 200 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, cơ quan Trung ương, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 (ảnh: chinhphu.vn)

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc trước thềm Hội nghị Ngoại giao Việt Nam lần thứ 29

Được tổ chức ngay trước khi diễn ra Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Hội nghị Ngoại vụ nhằm tạo diễn đàn để các địa phương cùng các bộ, ngành Trung ương và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trao đổi, đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 17. Đồng thời các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, tồn tại và đề ra những phương hướng trọng tâm cho giai đoạn tới.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao những đóng góp của công tác đối ngoại địa phương đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ chế phối hợp, gắn kết giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các địa phương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị, Hội nghị tập trung thảo luận một số định hướng lớn như: quyết liệt trong việc đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, xác định đây là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; cần triển khai mạnh định hướng chủ động và tích cực hội nhập của quốc tế, coi đây là nhiệm vụ chung của các sở, ban, ngành. Các địa phương cần gắn hội nhập quốc tế với chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể của địa phương mình. Các địa phương cần tận dụng tối đa lợi ích của hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của địa phương, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu, đa dạng hóa thị trường đối tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xuất khẩu lao động, du lịch.

Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu đã nghe các tham luận về hoạt động đối ngoại của Ban Đối ngoại Trung ương về triển khai công tác đối ngoại Đảng tại các địa phương; tham luận của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về phát huy công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới và các tham luận về công tác đối ngoại đóng góp vào phát triển tại địa phương của các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Lâm Đồng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Quảng Trị và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Oska (Nhật Bản).

Nổ bom liên tiếp tại Thái Lan

Ngày 14/8, một số các nhân vật chính trị ở miền Nam Thái Lan, trong đó có một số thành viên lực lượng Áo Đỏ đã bị bắt giữ để thẩm vấn trong cuộc điều tra về 11 vụ nổ bom, trong đó có vụ nổ bom kép xảy ra ở 5 tỉnh miền Nam Thái Lan trong hai ngày 11 và 12/8, khiến 4 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Trong loạt vụ đánh bom trên, các thủ phạm đã sử dụng điện thoại di động để kích nổ bom tự chế. Các chuyên gia an ninh Thái Lan đã kết luận rằng các vụ nổ bom này có liên quan đến nhau do thủ đoạn đánh bom tương tự và việc chọn thời điểm đánh bom đồng loạt vào buổi sáng. Hiện chưa có nhóm nào nhận thực hiện loạt vụ đánh bom trên.

Theo các nhà phân tích, dù thủ phạm của loạt vụ đánh bom tại 5 tỉnh miền Nam Thái Lan là ai thì chúng đều biết rằng vụ nổ sẽ gây thương vong cho cả người dân lẫn du khách, đồng thời là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp du lịch, một trong những điểm sáng hiếm hoi và là "quân bài" chủ lực của nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn của Thái Lan. Nguồn thu từ ngành công nghiệp du lịch đối với nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á hiện càng trở nên quan trọng hơn khi Thái Lan đang đối mặt với tình hình xuất khẩu yếu, sản xuất và chỉ số bán lẻ sụt giảm. Ngoài ra, loạt vụ đánh bom kinh hoàng trên còn tác động nghiêm trọng tới mục tiêu phát triển đất nước và có khả năng làm lung lay niềm tin của người dân đối với nỗ lực bảo đảm hòa bình và trật tự xã hội của Chính phủ Thái Lan.

Ngoại trưởng Đức thăm Nga

Trong hai ngày 14 và 15/8, nhằm ngăn ngừa căng thẳng bùng phát trên bán đảo Crimea và tìm biện pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã có chuyến công du Nga. Chuyến thăm đã thể hiện xuất sắc sứ mệnh hòa giải của nước Đức.

Hai bên đã thảo luận khả năng nối lại cuộc đối thoại của nhóm Bộ tứ Normandy sau âm mưu tấn công khủng bố của các phần tử phá hoại Ukraine ở Crimea. Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố ngoài những bằng chứng trình chiếu trên truyền hình, Nga còn có những bằng chứng không thể chối cãi cho thấy âm mưu phá hoại đã được chuẩn bị từ lâu tại Tổng Cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine nhằm gây bất ổn tình hình tại bán đảo Crimea. Tuy nhiên, ông Lavrov nhấn mạnh Moskva chưa muốn cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kiev mà cho rằng hai nước cần tập trung giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Theo Ngoại trưởng Nga, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine chỉ có thể giải quyết trên cơ sở thực hiện thỏa thuận Minsk. Nga sẽ thực hiện các cam kết của mình, đồng thời hối thúc hai nước cộng hòa tự xưng là Donesk và Lugansk có thái độ xây dựng.

Về tình hình Syria, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố Nga có trách nhiệm đặc biệt tại tỉnh Aleppo của Syria, nhất là trong việc đảm bảo đưa hàng cứu trợ nhân đạo. Ông Steinmeier nhấn mạnh chỉ có thể giải quyết cuộc xung đột Syria thông qua nỗ lực chung.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm Nga lần này của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho thấy quyết tâm của Berlin trong vai trò “giải tỏa” xung đột giữa hai quốc gia láng giềng. Điều này không chỉ có lợi cho nước Đức mà còn góp phần quan trọng nhằm duy trì ổn định và hòa bình tại khu vực.

Xung đột bùng phát giữa Israel - Palestine

Ngày 15/8, các cuộc đụng độ đã bùng phát giữa người Palestine và các lực lượng Israel đang hộ tống hàng trăm tín đồ Do Thái dự lễ kỷ niệm ngày lễ ăn chay Tisha B'av, làm ít nhất 18 người Palestine, trong đó có một trẻ vị thành niên bị thương tại khu đền Al-Aqsa ở Đông Jerusalem. Theo cáo buộc của Palestine, các cuộc xung đột bạo lực tại đền Al-Aqsa là do những tín đồ Do Thái cực đoan, được sự hậu thuẫn của Chính phủ Israel kích động tiến hành nhằm đẩy khu vực vào một cuộc xung đột tôn giáo.

Trong khi đó, bạo lực cũng đã bùng phát tại nhiều khu vực lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng. Các quan chức an ninh Palestine cho biết, những người định cư Israel đã phóng hỏa một đền thờ Hồi giáo ở thành phố Ramallah, thuộc khu Bờ Tây. Với đa số người Arab ở Israel theo đạo Hồi, diễn biến mới này có nguy cơ "đổ thêm dầu vào lửa", gây lo ngại làm gia tăng bạo lực và xung đột giữa người Arab với người Do thái vốn đang bùng phát mạnh ở Ðông Jerusalem, liên quan đến ngôi đền thờ cổ linh thiêng Al-Aqsa.

Rõ ràng, nếu không được ngăn chặn, làn sóng bạo lực trên có nguy cơ sẽ thổi bùng thành cuộc xung đột tôn giáo. Đặc biệt, nếu Nhà nước Israel tiếp tục những hành động nhằm đơn phương quyết định số phận của Jerusalem sẽ càng đẩy "con tàu hòa bình Trung Ðông" lao dốc, khiến lòng thù hận đang âm ỉ cháy có thể làm bùng nổ "thùng thuốc súng" ở khu vực này bất cứ lúc nào.

Nga - Iran tăng cường hợp tác quân sự

Ngày 16/8, các máy bay ném bom của Nga lần đầu tiên đã cất cánh từ căn cứ không quân Hamedan của Iran để tiến hành không kích một số mục tiêu của tổ chức khủng bố trên lãnh thổ Syria. Các cuộc không kích của Nga đã phá hủy "5 kho chứa vũ khí, đạn dược, nhiên liệu" và một số trại huấn luyện của phong trào thánh chiến Jihad gần Aleppo, Deir Ezzor và Idlib. Ngoài ra, các cuộc không kích còn nhằm vào 3 trung tâm chỉ huy ở gần làng Jafra và Deir Ezzor, tiêu diệt "một lượng lớn" các tay súng khủng bố.

Đây là vụ không kích đầu tiên mà Nga tiến hành từ căn cứ không quân ở Iran kể từ khi Moskva bắt đầu chiến dịch ném bom tiêu diệt các phiến quân Hồi giáo cực đoan. Các chiến dịch không kích của lực lượng không quân Nga được đánh giá là đã mang lại những kết quả tích cực, đẩy lui và gây thiệt hại nặng nề cho các nhóm khủng bố ở phía Đông và Bắc Syria.

Trong bối cảnh cả Nga và Mỹ cùng tiến hành các chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria, giới phân tích cho rằng, sự liên kết chặt chẽ giữa Nga và Iran trên mặt trận này càng tạo ra những lợi thế cho Moskva, thậm chí giúp Nga xoay chuyển cục diện cuộc chiến chống khủng bố đang được tiến hành ráo riết ở quốc gia Trung Đông này. Việc các máy bay ném bom của Nga cất cánh từ Iran, để tiến hành không kích một số mục tiêu của tổ chức khủng bố trên lãnh thổ Syria, được coi là “cái bắt tay chiến lược” không chỉ đem lại lợi ích cho quan hệ song phương, mà còn giúp cả hai nước củng cố và phát huy vai trò, vị thế ở khu vực Trung Đông.

Nguy cơ bùng phát đại dịch sốt vàng da trên thế giới

Ngày 17/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo bệnh sốt vàng da ở châu Phi, nhất là tại Angola và CHDC Congo, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch tại châu Phi, châu Á và lan rộng ra toàn thế giới. Hiện đã có hàng nghìn bệnh nhân mắc căn bệnh nguy hiểm này, đặc biệt tại Angola và CHDC Congo.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, kể từ khi bệnh dịch bùng phát hồi đầu tháng 12/2015, đến nay đã có hơn 400 người tử vong tại hai quốc gia châu Phi này. Hiện nay, WHO cùng Quỹ Cứu trợ nhi đồng (SCF) đang phối hợp với các Chính phủ Angola và CHDC Congo để tổ chức chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh sốt vàng da. Tuy nhiên, WHO hiện chỉ có 7 triệu liều vaccine, trong khi số người có nguy cơ nhiễm căn bệnh chết người này là hơn 10 triệu người.

WHO cho biết bệnh sốt vàng da có thể bùng phát thành đại dịch tại châu Phi, sau đó lây lan sang châu Á. Trong khi đó, Tổ chức "Cứu trợ trẻ em" (Save the Children) có trụ sở ở Anh cũng cho biết bệnh sốt vàng da hiện đã xuất hiện ở rất nhiều nước châu Âu. Tổ chức “Cứu trợ trẻ em” đã triển khai một nhóm các chuyên gia giúp đỡ Bộ Y tế CHDC Congo trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng.

CHDCND Triều Tiên nối lại hoạt động sản xuất plutoni

Ngày 17/8, Viện Năng lượng nguyên tử, cơ quan phụ trách các cơ sở hạt nhân chính của CHDCND Triều Tiên tại tổ hợp Yongbyon, cho biết các chuyên gia nước này bắt đầu tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, được tháo dỡ từ một lò phản ứng graphite tầm trung để phục vụ cho sản xuất plutoni. Viện này cũng tuyên bố Bình Nhưỡng đang chế tạo urani làm giàu cấp độ cao, cần thiết để sản xuất vũ khí và điện hạt nhân "như kế hoạch". Tuy nhiên, khối lượng plutoni và urani được Bình Nhưỡng sản xuất vẫn chưa được tiết lộ.

Ngay lập tức, Mỹ và Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích động thái này. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner, nếu những thông tin trên là đúng thì đây “chắc chắn là sự vi phạm rõ rệt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm những hoạt động như vậy”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Bình Nhưỡng tránh làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong khu vực và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông Toner tái khẳng định "cam kết vững chắc của Mỹ bảo vệ các đồng minh trong khu vực, gồm Hàn Quốc và Nhật Bản”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Gyun cho biết Seoul có kế hoạch tham vấn chặt chẽ với các nước cũng như các tổ chức quốc tế hữu quan về cách ứng phó việc CHDCND Triều Tiên nối lại hoạt động sản xuất plutoni. Trước tình hình trên, các nhà phân tích cho rằng, các bên liên quan cần phải nỗ lực giảm căng thẳng để có thể chấm dứt một chương trình hạt nhân không kiểm soát tại Bán đảo Triều Tiên.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam