Cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng cho nạn nhân chất độc da cam

(NTO) Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/8/1961-10/8/2016), phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với ông Vũ Thành Sơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh về công tác chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Hưởng ứng Tháng hành động Vì nạn nhân chất độc da cam năm nay, ông có thể cho biết Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin có những hoạt động gì?

Ông Vũ Thành Sơn
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc
da cam/dioxin tỉnh

- Ông Vũ Thành Sơn: Hội đã tổ chức các hoạt động vận động, quyên góp từ các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền và hiện vật cho nạn nhân chất độc da cam nhân Tháng hành động Vì nạn nhân chất độc da cam từ ngày 10-8 đến ngày 10-9 bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ quà, xây nhà tình thương, hỗ trợ lâu dài cho gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn...

Thực hiện kế hoạch của Trung ương Hội về việc tổ chức kỷ niệm 55 năm Thảm họa da cam Việt Nam và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam, Tỉnh hội lập kế hoạch trình UBND tỉnh cho chủ trương tổ chức mít-tinh kỷ niệm, phối hợp hoạt động cùng với các sở, ban, ngành liên quan. Mời một số nạn nhân da cam tiêu biểu, gương sáng trong cuộc sống, tham gia kháng chiến, có công với cách mạng về tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm 55 năm “Thảm họa da cam” trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Trên thực tế, hoàn cảnh các gia đình nạn nhân chất độc da cam còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông, chúng ta cần làm gì để hỗ trợ cho đối tượng này có cuộc sống tốt hơn?

- Ông Vũ Thành Sơn: Theo số liệu điều tra ban đầu, toàn tỉnh có 11.992 người là nạn nạn nhân chất độc da cam (hiện 11.640 người còn sống). Trong đó, người hoạt động kháng chiến và con đẻ có 1.034 người; dân thường và con đẻ 10.606 người.

Những năm qua, nạn nhân chất độc da cam của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đã có nhiều chính sách, chế độ ưu đãi cho nạn nhân chất độc da cam, người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và thế hệ thứ 2, thứ 3. Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, nhưng do tỉnh ta còn khó khăn, điều kiện khí hậu hạn hán quanh năm, các công ty, doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ và vừa nên việc vận động ủng hộ rất hạn chế. Vì vậy, cần duy trì tốt sự liên hệ giữa chính quyền địa phương, các cấp hội, cán bộ, hội viên với nạn nhân chất độc da cam để có sự hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Ngoài ra, không chỉ hỗ trợ tạm thời cho gia đình nạn nhân mà cần tạo điều kiện cho gia đình nạn nhân phát triển kinh tế bằng hình thức hỗ trợ vay vốn sản xuất; hỗ trợ học bổng biểu dương tinh thần hiếu học của trẻ nạn nhân da cam, giúp cho các cháu có được tương lai sau này tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, để giúp đỡ cho các nạn nhân chất độc da cam của tỉnh rất cần sự chung tay ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương hơn nữa, nhằm góp phần nâng cao đời sống cho nạn nhân và ổn định kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!