Thế giới trong tuần

1. Tại thủ đô Vientiane (Lào), Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) và các Hội nghị liên quan đã kết thúc hôm 26-7.

Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, với tổng cộng 16 Hội nghị cấp Bộ trưởng, gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các nước đối tác, đối thoại và với các đối tác khác trong khuôn khổ của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị ARF.

Kết quả đạt được tại Hội nghị lần này là rất lớn. Mặc dù mới chỉ sau hơn nửa năm được thành lập chính thức, Cộng đồng ASEAN đã đạt được tiến độ đề ra trên các lĩnh vực về chính trị, an ninh. Trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN hiện đang bàn để có thể đưa ra gói đàm phán mới liên quan đến Cộng đồng Kinh tế, cũng như vấn đề văn hóa, xã hội.

Một thành công nữa tại Hội nghị lần này là ASEAN đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, riêng cấp Bộ trưởng Ngoại giao đã có các cuộc họp với từng nước đối thoại, đồng thời cũng có cuộc họp giữa các nước ASEAN với 8 nước đối thoại trong khuôn khổ của diễn đàn Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), với 27 nước tại diễn đàn khu vực ARF, Diễn đàn hạ nguồn sông M​ekong. Tại đây, các nước đều khẳng định coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN.

Tại Hội nghị lần này, các nước cũng đánh giá về tình hình quốc tế, qua đó có sự chia sẻ những quan điểm về vấn đề đang đặt ra đối với các nước thành viên ASEAN, cũng như với các nước đối tác của ASEAN, cùng trao đổi về các biện pháp nhằm đối phó với các thách thức.

Trong 10 nước thành viên ASEAN, có tới chín nước nằm trên Biển Đông hoặc có biển sát Biển Đông, đó là lợi ích chung của ASEAN, chính vì vậy, dù vẫn có sự khác biệt, có những khó khăn, tuy nhiên các nước ASEAN vẫn ra được Tuyên bố chung của AMM 49, điều này khẳng định lập trường rất quan trọng của ASEAN trong các vấn đề lớn, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Tuyên bố chung của AMM 49 lần này không chỉ đề cập tới những vấn đề của khu vực, mà còn có đánh giá về kết quả thực hiện và việc triển khai các chương trình của ASEAN trong thời gian vừa qua và đưa ra những định hướng, những kế hoạch của ASEAN trong thời gian tới để trình lên Hội nghị cấp cao tới thông qua. Việc thông qua được Tuyên bố chung chứng tỏ các nước đã thấy được rằng mình có rất nhiều lợi ích chung trong hợp tác ASEAN.

Việc ASEAN ra Tuyên bố cũng khẳng định lập trường chung của Khối trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều phức tạp cho thấy ASEAN nhận thức được phải cùng nhau thúc đẩy vai trò trung tâm để tăng cường đoàn kết.

2. Tại cuộc điện đàm giữa Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, ông Ban Ki-moon đã đề cập những báo cáo cho rằng nhiều người đã bị giam giữ trong điều kiện không đảm bảo, bị ngược đãi hoặc bị lạm dụng, đồng thời lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mở rộng chiến dịch trấn áp sau vụ đảo chính bất thành.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ tin tưởng chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đoàn kết trong giai đoạn bất ổn này, để cùng nhau gìn giữ nền dân chủ quốc gia.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cảnh báo cuộc trấn áp sau vụ đảo chính bất thành “vẫn chưa kết thúc” và có thể có thêm những vụ bắt giữ khác. Giới chức nước này đã bắt giam hơn 15.000 người, trong đó có hơn 10.000 binh sỹ, sau vụ đảo chính vừa qua. Ngoài ra, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sa thải 150 tướng lĩnh cấp cao trong quân đội và đã ra lệnh đóng cửa 3 cơ quan thông tấn, 16 kênh truyền hình, 45 tòa soạn báo, 15 tạp chí và 29 nhà xuất bản.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh thân cận trong NATO là Mỹ cũng như đối thủ mới là Nga sẽ bị ảnh hưởng.

Sau vụ binh biến bất thành, nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ NATO giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác đã tạm thời bị đóng băng. Trong ngắn hạn cuộc đảo chính quân sự bất thành sẽ ảnh hưởng đến khả năng hợp tác của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. Một dấu hiệu rõ ràng của điều này là căn cứ chống IS chính của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ là Incirlik đã tạm thời bị đóng cửa ngay sau khi đảo chính xảy ra.