Ngành Y tế: Tập trung nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe Nhân dân

(NTO) Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Y tế đã không ngừng nỗ lực, tập trung các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Tăng cường y tế dự phòng từ tuyến cơ sở

Thời gian qua, tình hình hạn hán, nắng nóng kéo dài là nguyên nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm, nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Trước tình hình đó, công tác y tế dự phòng được ngành Y tế đặt lên hàng đầu. Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 300 ca sốt xuất huyết, 156 ca tay-chân-miệng, trên 1.000 ca tiêu chảy… Để ứng phó với các dịch bệnh trong mùa khô hạn, ngành đã tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ ở cơ sở, phát hiện sớm và khống chế kịp thời các ca bệnh truyền nhiễm, không để bùng phát thành dịch. Sở Y tế tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước và nguồn nước khác tại các địa phương, qua đó thông báo kịp thời kết quả giám sát cho ngành chức năng và các cơ sở cấp nước để xử lý các nguồn nước không đạt tiêu chuẩn trước khi cung cấp cho người dân. Tính từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã hỗ trợ 160.000 viên Cloramin B, 160.000 viên Aquatabs cho các trạm y tế để cung cấp và hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt. Ngoài ra, ngành còn tập trung làm tốt công tác tiêm chủng mở rộng; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân... Nhờ đó, đã không để bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Đến nay, số ca sốt xuất huyết, tay-chân-miệng đã có chiều hướng giảm. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác như thủy đậu, quai bị, tiêu chảy... giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, quai bị 5 ca, giảm 77,3%; thủy đậu 41 ca, giảm 44,6%; bệnh lỵ 149 ca, giảm 61%; tiêu chảy 1.453, giảm 45,5%...

 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm hỏi các các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp đặt stent tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Song song với đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, ngành Y tế tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt Đề án 1816 chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tăng cường bác sĩ luân phiên về công tác tại các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho tuyến cơ sở; đồng thời, tích cực tiếp nhận các gói kỹ thuật cao từ tuyến Trung ương cho bệnh viện tuyến tỉnh, trọng tâm là Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Một trong những thành tựu nổi bật đó là Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập Đơn vị can thiệp tim mạch. Trong đó, tỉnh đã đầu tư cho bệnh viện hệ thống chụp hình mạch máu xóa nền bằng tia X (DSA), với kinh phí 28 tỷ đồng. Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò bệnh viện hạt nhân đảm nhận trách nhiệm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ liên quan đến điều trị tim mạch, giúp cho đội ngũ y, bác sĩ Đơn vị tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa tỉnh nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý, sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế đã được đầu tư. Qua đợt chuyển giao, bệnh viện đã chụp mạch vành cho 16 trường hợp, trong đó có 6 trường hợp hẹp mạch vành được chỉ định điều trị bằng phương pháp đặt stent.

Bên cạnh nâng cao chất lượng chuyên môn, ngành Y tế đã đẩy mạnh chương trình hành động về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh năm 2016 và giai đoạn 2016-2020” bằng nhiều giải pháp cụ thể như: Tổ chức ký cam kết thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ ở các đơn vị; củng cố hòm thư góp ý; thành lập Đội thanh niên tình nguyện “Tiếp sức người bệnh” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 150 thành viên… Qua đó, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức, ý thức trách nhiệm đến hành động, kỹ năng giao tiếp, xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi, cần mẫn, củng cố niềm tin của người dân đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

Đồng chí Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Nhằm thực hiện các giải pháp chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, những tháng cuối năm, ngành Y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời nhằm phát hiện và khống chế dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện tốt tiêm chủng mở rộng… nhằm làm tốt công tác y tế dự phòng tại cơ sở. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục huy động mọi nguồn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực cho các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là các trạm y tế phường, xã. Riêng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ phối hợp với các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh về các lĩnh vực: Sản, Nhi, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại tổng quát, Tim mạch can thiệp và Ung bướu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình hành động đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà về phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế tại các bệnh viện tuyến tỉnh, qua đó nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân.